Những “lỗ hổng” chưa thể lấp đầy giúp Nga “kiếm bộn tiền”

Không thể phong tỏa nền kinh tế Nga, nhưng phương Tây có thể liên tục khiến Moscow phải trả giá đắt hơn trong việc duy trì mối quan hệ với phần còn lại của thế giới.

Kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine 18 tháng trước, nền kinh tế Nga đã hứng chịu “cơn mưa” các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của Anh, Mỹ và EU.

Nhưng những vết nứt, lỗ hổng và điểm mù trong chế độ trừng phạt của phương Tây đã cho phép Moscow tiếp tục “kiếm bộn tiền”.

“Lỗ hổng” trong hệ thống tài chính

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt các ngành công nghiệp và thương mại của Moscow đã “làm tê liệt một cách thảm khốc” nền kinh tế Nga, một nghiên cứu của Đại học Yale từ tháng 7/2022 cho biết, viện dẫn sự sụp đổ của đồng rúp và sự di cư ồ ạt của các công ty phương Tây khỏi thị trường Nga.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Moscow đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. GDP của nước này – một chỉ số về sức khỏe kinh tế đo lường tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia sản xuất – được dự đoán sẽ tăng 0,7% trong năm nay, trong khi các nền kinh tế châu Âu khác đang suy thoái và trì trệ, theo một cuộc thăm dò gần đây của hãng tin Reuters.

Có nhiều lý do giải thích cho sự vững mạnh về kinh tế của Nga. Nhưng một số chuyên gia đưa ra lời giải thích là các biện pháp trừng phạt của phương Tây có quá nhiều điểm mù, lỗ hổng và vết nứt đến mức chúng khó có thể làm đau “túi tiền” của Nga.

Thế giới - Những “lỗ hổng” chưa thể lấp đầy giúp Nga “kiếm bộn tiền”

Tàu chở hàng của Nga đang được chất hàng ở St Petersburg. Ảnh: RUSI

“Có rất nhiều lỗ hổng trong chế độ trừng phạt hiện tại”, ông Tom Keatinge, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tội phạm Tài chính tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nói với Euronews.

Theo ông Keatinge, “lỗ hổng” đầu tiên đến từ hệ thống tài chính, với việc các ngân hàng giao dịch với Nga vẫn đang hoạt động ở phương Tây.

Mặc dù những khoản này bề ngoài là để thanh toán cho việc nhập khẩu năng lượng vẫn được phép trong một số trường hợp, nhưng ông Keatinge cho biết các giao dịch “rất khó để kiểm soát”. Điều đó nghĩa là các khoản thanh toán cho dầu mỏ và khí đốt có thể là lớp ngụy trang, che giấu việc mua các mặt hàng khác, chẳng hạn như hàng hóa quân sự công nghệ cao.

Điều tương tự cũng xảy ra với các công ty tham gia vào các lĩnh vực khác thiên về mục đích nhân đạo hơn, chẳng hạn như thực phẩm và dược phẩm, ông Keatinge tiếp tục.

“Luôn có nguy cơ một lô thuốc hoặc các loại thuốc tương tự được xuất khẩu có thể trở thành vỏ bọc cho một thứ gì đó khác hơn. Tôi không phản đối việc để lại những lỗ hổng vì mục đích nhân đạo nếu chúng được nhìn nhận và quản lý đúng cách”, ông nói.

Nguồn tài trợ cho “hòm chiến tranh”

Một lỗ hổng khác mà nhà phân tích tại RUSI nói đến là nhiều ngành cụ thể vẫn không bị trừng phạt.

Kim cương là một ví dụ như vậy. Mặc dù Mỹ và Vương quốc Anh đã áp dụng các hạn chế, Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục miễn trừ loại đá quý này khỏi các vòng trừng phạt Nga, hiện đang là vòng thứ 11.

Điều này cho phép nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới tiếp tục tiếp cận một trong những thị trường trọng điểm của mình.

“Các chính phủ đang nỗ lực tìm ra cách bịt những lỗ hổng đó theo cách không gây quá khó khăn cho túi tiền của họ”, ông Keatinge nói với Euronews. Ông lấy ví dụ về Bỉ. Việc quốc gia Tây Âu mong muốn bảo vệ ngành kim cương của mình giúp giải thích lý do tại sao các biện pháp trừng phạt với kim cương Nga bị trì hoãn.

Tuy nhiên, ông Keatinge cảnh báo các lệnh trừng phạt là một vấn đề phức tạp. Bất chấp nhiều hoạt động thương mại “khó chịu” đang diễn ra, một số hoạt động “rất khó cắt giảm, chẳng hạn như hoạt động buôn bán nhiên liệu hạt nhân đang diễn ra”.

Thế giới - Những “lỗ hổng” chưa thể lấp đầy giúp Nga “kiếm bộn tiền” (Hình 2).

Khu buôn bán kim cương Diamond Quarter nổi tiếng ở Antwerp, Bỉ. Ảnh: Luna Jets

Hãng tin AP đưa tin vào tháng 8 rằng Moscow đã thu về hàng trăm triệu euro từ việc bán nhiên liệu hạt nhân cho Mỹ và một số nước châu Âu, những quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào uranium từ Nga.

Việc không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số mặt hàng khác, chẳng hạn như thuốc men cho dân thường Nga, cũng “hoàn toàn hợp lý” vì nó có thể đặt ra một “mục tiêu tuyên truyền khổng lồ” cho phương Tây, ông Keatinge cho biết thêm.

Cơ bản của vấn đề này là những tranh luận về cách thức hoạt động của các biện pháp trừng phạt và mục đích cuối cùng của chúng.

“Thật sai lầm khi cho rằng các biện pháp trừng phạt là chuyện được ăn cả ngã về không”, ông Keatinge nhấn mạnh.

“Rõ ràng không thể có chuyện các vị phải trừng phạt mọi thứ ở mọi nơi để chúng có tác dụng”, ông giải thích. “Rất nhiều hạn chế đã được đưa ra. Tuy nhiên, hệ thống vẫn có những vết nứt – nơi tiền và thương mại, giống như nước, sẽ tìm được chỗ để thẩm thấu qua”.

Theo vị chuyên gia tại RUSI, điều cần làm là hạn chế tối đa số lượng vết nứt, lỗ hổng và điểm mù đó. Việc để lại những “lỗ hổng” trong tầm kiểm soát không hoàn toàn nghĩa là làm suy yếu chế độ trừng phạt tổng thể vì rõ ràng chúng đang có tác động.

Vấn đề đối với các nước thứ ba

Trong khi hoan nghênh việc xem xét kỹ lưỡng những gì còn khuyết thiếu trong chế độ trừng phạt của phương Tây, ông Mark Harrison, Giáo sư danh dự về Kinh tế tại Đại học Warwick (Anh), cho rằng điều quan trọng là phải khiến Nga “trả giá đắt hơn”.

“Mục đích thực sự của một cuộc chiến kinh tế là tăng chi phí cho đối thủ bằng cách buộc họ phải thích nghi”, Giáo sư Harrison nói với Euronews. “Không thể phong tỏa nền kinh tế Nga. Nhưng những gì chúng ta có thể làm là liên tục khiến Moscow phải trả giá đắt hơn trong việc duy trì mối quan hệ với phần còn lại của thế giới”.

“Các nền kinh tế hiện đại là những mục tiêu rất khó khăn. Điều đó không có nghĩa là không đáng để thực hiện các cuộc tấn công. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần chủ nghĩa hiện thực và sự kiên nhẫn”, Giáo sư Harrison nói.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga – yếu tố mà nền kinh tế nước này phụ thuộc vào – đã giảm hơn 1/4 vào tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước.

Vấn đề cuối cùng với chế độ trừng phạt của phương Tây mà các chuyên gia nêu ra là các nước thứ ba không được bảo vệ.

Thế giới - Những “lỗ hổng” chưa thể lấp đầy giúp Nga “kiếm bộn tiền” (Hình 3).

Đường ống TurkStream dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Nam châu Âu. Ảnh: NS Energy

Điều này có nghĩa là, các quốc gia khác có quan điểm mâu thuẫn hơn về cuộc chiến ở Ukraine, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Ấn Độ, có thể đóng vai trò trung gian để hàng hóa bị trừng phạt được trung chuyển qua lãnh thổ của họ để đến Nga hoặc ra khỏi Nga – tránh né các lệnh trừng phạt.

“Nhiều người ở châu Âu đã bỏ qua thực tế rằng Nga – nước là mục tiêu của các lệnh trừng phạt – tất nhiên sẽ không ngồi yên và để mặc mọi thứ như vậy. Họ đang tái cơ cấu và tái tổ chức nền kinh tế của mình”, ông Keatinge của RUSI nói

Ấn Độ đã tăng cường mua dầu thô Nga, loại dầu mà một số người cho rằng được bán như một sản phẩm đã tinh chế, từ đó đã giúp Moscow trốn tránh các lệnh trừng phạt, Euronews đưa tin hồi tháng 5.

Delhi đã lên tiếng tự bảo vệ mình, tuyên bố rằng họ không thể trả tiền cho việc nhập khẩu năng lượng đắt đỏ hơn từ các quốc gia khác ngoài Nga, để mặc hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói.

“Nếu các vị ngăn chặn thương mại trên một tuyến đường, nó sẽ tìm ra một con đường khác để đi”, Giáo sư Harrison lưu ý, trích dẫn một ví dụ lịch sử từ thời Thế chiến I, nơi hàng xuất khẩu “đơn giản được chuyển hướng” qua các nước châu Âu trung lập sau khi Anh áp đặt lệnh phong tỏa hải quân đối với Đức.

“Trừng phạt là một công cụ chính trị”

Ngay cả trong số các đồng minh phương Tây của Ukraine, ông Keatinge cho rằng các biện pháp trừng phạt được thực hiện một cách “thiếu nhất quán”. Ví dụ, một số quốc gia tích cực hơn các quốc gia khác trong việc mua các sản phẩm dầu mỏ của Nga, cộng thêm một số ngân hàng Nga vẫn có thể sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT.

“Điều đó không phải là thách thức các biện pháp trừng phạt, nhưng nó khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi nói đến việc đảm bảo chắc chắn rằng các hạn chế đang được áp đặt đúng đắn”, ông Keatinge nói với Euronews.

Hungary, quốc gia Trung Âu được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Viktor Orban, là nước vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Moscow và tiếp tục mua năng lượng Nga. Hồi tháng 4, Budapest đã hoàn tất một thỏa thuận năng lượng với Moscow, cho phép Hungary, nếu cần, nhập khẩu nhiều khí đốt hơn so với số lượng đã thỏa thuận trong hợp đồng dài hạn đã được sửa đổi vào năm ngoái.

Chính phủ Hungary đã vận động mạnh mẽ ở EU để được miễn trừ mọi biện pháp trừng phạt đối với khí đốt, dầu mỏ hoặc nhiên liệu hạt nhân của Nga, đồng thời đe dọa sẽ phủ quyết các hành động do EU đề xuất chống lại Moscow.

Thế giới - Những “lỗ hổng” chưa thể lấp đầy giúp Nga “kiếm bộn tiền” (Hình 4).

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Hungary Viktor Orban trên một con phố ở Budapest. Ảnh: DW

Ở Áo, một quốc gia Trung Âu khác phụ thuộc nặng nề vào Nga về năng lượng, đang có một số lo ngại về sự mệt mỏi do các lệnh trừng phạt. Một chính đảng của nước này đã nói rằng các hạn chế áp đặt từ tháng 10 năm ngoái nên được đưa ra trưng cầu dân ý.

“Trừng phạt là một công cụ chính trị”, ông Keatinge nói với Euronews. “Nếu lãnh đạo ở một quốc gia không đưa ra thông điệp mạnh mẽ về các biện pháp trừng phạt, thì tại sao các ngành công nghiệp ở quốc gia này lại cảm thấy cần phải tuân thủ”.

EU đã phát tín hiệu vào tháng 7 rằng các biện pháp trừng phạt của họ đối với Nga sẽ được tăng cường theo thời gian, với việc khối này đang tìm cách “vá” các lỗ hổng hiện hữu và hạn chế các lỗ hổng mới phát sinh.

Những điều này có thể mở rộng đến việc trừng phạt các quốc gia bị coi là “tiếp tay” cho Nga, mặc dù điều này không chắc chắn, Giáo sư Harrison nói.

“Bằng cách buộc Nga phải thực hiện những giải pháp tốn kém và tiêu tốn nguồn lực của nước này, chúng ta đã làm suy yếu họ cả ở trong nước lẫn trên chiến trường. Đó chính là mục đích ở đây”, vị Giáo sư kết luận.

Minh Đức (Theo Euronews, AP)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nhung-lo-hong-chua-the-lap-day-giup-nga-kiem-bon-tien-a10661.html