Một mặt hàng của Việt Nam ngày càng được người Nga ưa chuộng: Chi mạnh tay nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới

Đây là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Một mặt hàng của Việt Nam ngày càng được người Nga ưa chuộng: Chi mạnh tay nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 7 đã mang về hơn 3,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 6/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, hàng dệt, may đã thu về hơn 19,04 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm thu về 8,46 tỷ USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ và chiếm 44,4% thị phần trong cơ cấu xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Tuy nhiên trong khi các thị trường đang giảm mạnh nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam thì Nga lại là một trong những quốc gia đang tăng mạnh nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may sang Nga trong 7 tháng đầu năm đạt 234,4 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng của Nga trong 7 tháng đầu năm chiếm 1,23% trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Một mặt hàng của Việt Nam ngày càng được người Nga ưa chuộng: Chi mạnh tay nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 2.

Trong năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may sang Nga đạt 221,2 triệu USD, chiếm tỉ trọng gần 0,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Có thể thấy dù nhỏ nhưng tỷ trọng của Nga đã có mức tăng đáng kể trong 7 tháng đầu năm 2023, cho thấy mặt hàng này của Việt Nam đang ngày càng được người Nga ưa chuộng. Kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023 cũng đã vượt qua kim ngạch của cả năm 2022 cộng lại.

Năm 2021 dệt may Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu trên thị trường thế giới với 5,7% thị phần. Năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 10,5-11% so với năm 2021, vẫn đứng vị trí thứ 3 sau Trung Quốc, Bangladesh. Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ với từ 47-50 các mặt hàng khác nhau.

Tuy nhiên kể từ cuối quý 3/2022 đến nay, ngành dệt may bắt đầu gặp khó khăn và kéo dài cho tới nay. Nguyên nhân là do nền kinh tế thế giới tăng trường chậm dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Top 5 mặt hàng được cắt giảm nhiều nhất của người tiêu dùng không thể không kể đến dệt may.

Theo phân tích từ các chuyên gia trong nước và thế giới, nhu cầu dệt may trên toàn cầu trong cả năm 2023 sẽ giảm 6 – 10%, từ mức 757 tỷ USD xuống còn 712 tỷ USD, thậm chí xuống mức 687 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ giảm 45 tỷ USD mua hàng hóa dệt may, thậm chí giảm chi đến 70 tỷ USD.

Khi các thị trường lớn đều giảm sức mua, các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Việt Nam không tránh khỏi tác động. Dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2023 có thể đạt mức 40 tỷ USD, giảm 9 – 10% so với năm 2022.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/mot-mat-hang-cua-viet-nam-ngay-cang-duoc-nguoi-nga-ua-chuong-chi-manh-tay-nhap-khau-trong-7-thang-dau-nam-viet-nam-xuat-khau-dung-thu-3-the-gioi-a10687.html