Hậu Giang 'siết' nguồn cung bất động sản

Tỷ lệ tăng dân số thụt lùi, nhưng nguồn cung bất động sản (BĐS) tăng nhanh, đó là lý do thị trường BĐS Hậu Giang rơi vào khó khăn. Để đưa thị trường BĐS phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết trong thời gian tới địa phương sẽ có biện pháp

Hậu Giang 'siết' nguồn cung bất động sản - Ảnh 1.

Khu thương mại dân cư và tái định cư phường 4 do Công ty Cổ phần Liên Minh làm chủ đầu tư đã triển khai 20 năm nhưng chưa thu hút được người vào ở. Ảnh PK

Kiên quyết thu hồi 

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Quyết định số 1161/QĐ-UBND về việc thu hồi dự án Khu đô thị mới Lê Quý Đôn, khu vực 1, phường III, TP. Vị Thanh do Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Amecc làm chủ đầu tư.

Lý do thu hồi dự án Khu đô thị mới Lê Quý Đôn là căn cứ theo Công văn số 258/UBND-NCTH ngày 27/02/2023 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc chấm dứt Hợp đồng thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án Khu đô thị mới Lê Quý Đôn, khu vực 1, phường III, TP. Vị Thanh và theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư…

Với mục tiêu phát triển thị trường BĐS bền vững, địa phương đang tiến hành rà soát, cân đối nhu cầu ở thực của người dân là bao nhiêu để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án mới nhằm tránh "cung vượt cầu", gây lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực đầu tư của xã hội.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Sau khi thu hồi dự án, UBND tỉnh Hậu Giang giao UBND TP. Vị Thanh quản lý quy hoạch và trật tự đô thị theo thẩm quyền; đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan rà soát đề xuất kêu gọi đầu tư theo định hướng phát triển đô thị của Tỉnh.

Theo Sở Xây dựng Hậu Giang, dự án Khu đô thị mới Lê Quý Đôn, khu vực 1, phường III, TP. Vị Thanh được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2018. Do ảnh hưởng chung của thị trường BĐS trầm lắng, ngân hàng siết tín dụng…, chủ đầu tư không đảm bảo nguồn vốn để thực hiện, không chuyển kinh phí chi trả bồi hoàn cho dân, dự án chậm tiến độ, không có khả năng tiếp tục triển khai nên UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi dự án.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hoà cũng đã ký Quyết định số 573/QĐ-UBND, yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường trong thời hạn 24 tháng phải đưa đất tại Khu đô thị Cát Tường Western Pearl vào sử dụng.

Cụ thể, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày UBND tỉnh ban hành quyết định cho gia hạn sử dụng đất đối với phần đất thương mại dịch vụ thuộc dự án Khu đô thị Cát Tường Western Pearl, diện tích 9.785m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 42 tại phường V, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

"Khi hết thời hạn được gia hạn mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường không đưa đất vào sử dụng, triển khai thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ và xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì địa phương sẽ ra Quyết định thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013", quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang nêu rõ.

Hậu Giang 'siết' nguồn cung bất động sản - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang cho biết trong thời gian tới sẽ rất cân nhắc khi chấp thuận chủ trương đầu tư mới các khu đô thị. Ảnh PK

Giao dịch trầm lắng

Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, tại trung tâm tỉnh lỵ TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã hình thành nhiều "đại đô thị" với diện tích lên đến hàng trăm héc ta, nhưng các khu đô thị này đạt tỷ lệ lấp đầy rất thấp.

Điển hình như dự án Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1 và 2, TP. Vị Thanh, có diện tích lên tới 80ha, đã có hạ tầng nhưng số lượng sản phẩm được giao dịch vẫn còn hạn chế; trong khi đó, Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2 có rất ít người vào ở.

Tương tự như vậy, dư án Khu đô thị DIC Victory City Vị Thanh có quy mô lên đến gần 200ha. Trong đó giai đoạn 1 có diện tích 83,46ha, quy mô dân số lên đến 24.000 người; Khu thương mại dân cư và tái định cư phường IV do Công ty Cổ phần Liên Minh làm chủ đầu tư  tọa lạc ngay mặt tiền đường Lê Hồng Phong và đường 19/8, phường 4, TP. Vị Thanh quy mô 35ha, tương đương 1.375 nền nhà phố, biệt thự và đất xây dựng các công trình công cộng cũng trong tình trạng giao dịch trầm lắng.

Dưới góc nhìn từ nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Thảo, Thành viên HĐQT Cát Tường Group cho rằng, Cát Tường Western Pearl tại Hậu Giang được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao vì sở hữu vị trí đắc địa trung tâm hành chính TP. Vị Thanh, hạ tầng hoàn thiện, pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Dự án còn gây ấn tượng với chương trình ưu đãi hấp dẫn "Mua đất - Tặng nhà". Theo đó, khách hàng giao dịch sẽ nhận được tổng ưu đãi tương đương 1 căn nhà phố. Bên cạnh đó khi mua nhà trong thời gian này, khách hàng còn được nhiều ưu đãi khác như rút thăm trúng thưởng, thanh toán linh hoạt, chỉ cần trả trước 20%, phần còn lại được thanh toán trong 48-60 tháng…

Chia sẻ tại hội thảo "Bệ phóng hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng BĐS Tây Nam Bộ", vừa diễn ra tại TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên phó Viện Trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, với thị trường BĐS phát triển không quá nóng như ở Tây Nam Bộ nói chung, Hậu Giang nói riêng, thì BĐS vẫn là kênh đầu tư trú ẩn an toàn và có khả năng sinh lời cao khi thị trường hồi phục.

Đồng quan điểm đó, Ths. Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam Propertyguru Việt Nam cho biết, thị trường BĐS Quý II xuất hiện nhiều điểm sáng, nhất là tại khu vực Tây Nam bộ nhờ lực đẩy hạ tầng.

Các tuyến cao tốc trục ngang như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu liên tiếp được khởi công xây dựng là minh chứng mạnh mẽ cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong dồn nguồn lực đầu tư và phát triển Tây Nam Bộ.

"Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong những năm gần đây. Lượng vốn đầu tư công cao trong năm 2023, hứa hẹn sẽ tháo nút thắt về hạ tầng vực dậy tiềm năng phát triển kinh tế cho Hậu Giang, trong đó có thị trường BĐS", ông Tuấn nhận định.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/hau-giang-siet-nguon-cung-bat-dong-san-a1096.html