Gạo lãng phí ở châu Á thải ra hơn 600 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm

Mỗi năm thế giới lãng phí khoảng 1/3 lượng thực phẩm chúng ta sản xuất. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) mới được công bố, lượng thực phẩm bị lãng phí đó sẽ chuyển thành hàng tỷ tấn khí nhà kính, khi người ta tính đến năng lượng, đất đai và hóa chất được sử dụng để sản xuất và thải bỏ chúng.

Điều đó càng đáng nói khi số người nghèo đói đang gia tăng nhanh sau đại dịch Covid-19. Theo Liên Hợp Quốc, vào năm 2022, một con số kỷ lục người đã phải trải qua nạn đói cấp tính, và dự trữ lúa mì và ngô toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Mặc dù lạm phát chung đã hạ nhiệt, nhưng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu còn lâu mới kết thúc.

Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính rằng lượng khí thải carbon từ thực phẩm bị lãng phí trên thế giới tương đương với 3,3 tỷ tấn carbon dioxide (3,6 tỷ tấn) mỗi năm. Đó là lượng khí thải nhà kính nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào sản xuất ra, ngoài Trung Quốc và Mỹ. Báo cáo khẳng định rằng các quốc gia đang bỏ lỡ không chỉ cơ hội cải thiện an ninh lương thực—hàng trăm triệu người vẫn bị đói mỗi năm—mà còn bỏ lỡ cơ hội giảm bớt tác động môi trường của chuỗi thức ăn toàn cầu.

Một nơi để bắt đầu việc giảm sự lãng phí này sẽ là gạo ở châu Á. Trong số các mặt hàng khu vực được LHQ phân tích, ngũ cốc được sản xuất ở châu Á là nguyên nhân lớn nhất gây ra lượng khí thải carbon từ chất thải thực phẩm. (Những loại khác là thịt ở Châu Âu; rau ở Bắc Mỹ và Châu Đại Dương, v.v.)

Gạo chiếm hơn một nửa số ngũ cốc bị lãng phí ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, và 72% số ngũ cốc bị thất lạc hoặc bị loại bỏ ở Nam và Đông Nam Á— tổng cộng là 149,7 triệu tấn, theo LHQ. Số gạo bị lãng phí đó thải ra lượng khí thải nhà kính tương đương với 610,5 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm.

Mathilde Iweins, điều phối viên dự án cho chương trình Food Wastage Footprint (tạm dịch: Dấu chân lãng phí thực phẩm) của LHQ, nói rằng hầu hết dấu vết carbon từ gạo của khu vực xảy ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đó là do lá, thân cây và các chất hữu cơ khác bị phân hủy trong ruộng lúa, tạo ra khí mê-tan. Gạo bị phân hủy trong các bãi chôn lấp cũng góp phần tạo ra khí thải.

Tại sao tất cả gạo này bị lãng phí? Quá trình chế biến, vận chuyển, bảo quản kém dẫn đến gạo bị đổ, hư hỏng trước khi đến tay người tiêu dùng. Một số lãng phí cũng xảy ra ở phía người tiêu dùng vì mọi người chỉ đơn giản vứt bỏ cơm thừa. Liên Hợp Quốc ước tính rằng 80 kg ngũ cốc, chủ yếu là gạo, bị lãng phí mỗi người trong khu vực mỗi năm.

Khi dân số gia tăng ở các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, nơi gạo là lương thực chính, thì thậm chí nhiều gạo hơn sẽ được sản xuất cũng như bị lãng phí. Và lượng khí thải carbon của gạo có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo một nghiên cứu năm ngoái, sự hiện diện của nhiều carbon dioxide trong không khí kết hợp với nhiệt độ tăng trong những thập kỷ tới có thể tăng gấp đôi lượng khí mê-tan do sản xuất một kg gạo.

Ngay vào lúc này, vấn đề lãng phí thực phẩm nói chung và gạo nói riêng càng đáng đề cập đến, khi mà giá lương thực có nguy cơ tăng trở lại.

Một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian đảm bảo việc vận chuyển an toàn ngũ cốc ở Biển Đen từ các cảng của Ukraine sẽ hết hạn vào thứ Hai (17/7). Theo thỏa thuận cũ, hơn 32 triệu tấn ngô, lúa mì và các loại ngũ cốc khác đã được xuất khẩu và giá của nhiều mặt hàng chủ lực này đã giảm mạnh, giúp hạ nhiệt lạm phát trên toàn cầu. Nếu thỏa thuận này không được gia hạn, giá ngũ cốc có thể sẽ tăng vọt trở lại.

Điều đó càng đáng sợ khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với lượng xuất khẩu hàng năm nhiều hơn cả 3 nước xuất khẩu lớn tiếp theo (trong đó có Việt Nam) cộng lại, đang xem xét hạn chế mạnh mẽ việt xuất khẩu gạo sau khi giá gạo trên thị trường nước này tăng 10% chỉ trong vòng 2 tuần qua, lên mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm, sau khi Chính phủ tăng giá thu mua lúa của nông dân.

Vào tháng 9/2022, Ấn Độ đã cấm vận chuyển gạo tấm ra nước ngoài và áp thuế 20% đối với xuất khẩu nhiều loại gạo khác trong bối cảnh lo ngại về sản lượng. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả gạo non-basmati để tránh nguy cơ lạm phát cao hơn sau khi giá tăng mạnh, thông tin từ Bloomberg cho biết.

New Delhi đang theo dõi chặt chẽ biến động giá và kịch bản sản lượng cho năm 2023, và mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng vào tháng 10 hoặc tháng 11. Đến thời điểm đó, Ấn Độ sẽ xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu, hoặc áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2018, đạt 421 USD - 428 USD/tấn, so với mức 412-420 USD của tuần trước. Đây là mức giá cao nhất trong vòng hơn 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện vững ở mức cao 515 USD/tấn, và gạo cùng loaị của Việt Nam tăng lên 510-513 USD/tấn, từ mức 500-510 USD của tuần trước.

Gạo lãng phí ở châu Á thải ra hơn 600 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm - Ảnh 1.

Giá gạo châu Á đang tăng mạnh.

Tham khảo: Reuters, Bloomberg, Qz

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/gao-lang-phi-o-chau-a-thai-ra-hon-600-trieu-tan-khi-nha-kinh-moi-nam-a1129.html