Bom lượn dẫn đường FAB-500 của Nga.
"Bom lượn của Nga là vũ khí khiến chúng tôi e ngại nhất", binh sĩ Ukraine tên Olexandr Solon'ko cho biết, theo tạp chí Forbes. "Nga sử dụng loại bom này rất thường xuyên. Vũ khí này rất mạnh".
Bom lượn dẫn đường FAB và UPAB được đánh giá là có cơ chế hoạt động tương đương bom thông minh JDAM của Mỹ. Khác biệt duy nhất là mẫu bom này sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS thay vì GPS.
Bình luận của binh sĩ Ukraine được đưa ra gần đây, dường như cho thấy Kiev chưa có phương án đối phó hiệu quả. Ukraine từng kì vọng sớm nhận được các chiến đấu cơ F-16 để cạnh tranh với máy bay Nga trên bầu trời, từ đó giảm phạm vi mà các chiến đấu cơ Nga có thể ném bom lượn.
Ưu thế không quân cho phép máy bay Nga thả bom dẫn đường từ độ cao lớn, giúp quả bom có thể bay thêm được khoảng 50km. Tạp chí Forbes cho biết, đòn tấn công từ mẫu bom có thể mang theo tới 1 tấn thuốc nổ này tạo ra sự khác biệt rất rõ rệt.
Ưu điểm của bom lượn dẫn đường do Nga sản xuất là chi phí rất rẻ. Một quả bom thông thường sẽ biến thành bom thông minh khi được gắn module Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK).
Bom dẫn đường UPAB-1500B mang đầu đạn nặng 1000kg được trưng bày tại một triển lãm hàng không ở Nga.
UMPK gồm thiết bị định vị vệ tinh GLONASS và hệ thống điều khiển để tăng đáng kể độ chính xác, kèm theo cánh nâng cho phép bom bay xa hơn nguyên bản. Các nguồn tin tại Nga cho biết, một bộ UMPK có giá khoảng 24.000USD.
"Mẫu bom này không loại trừ bất cứ mục tiêu nào", binh sĩ Solon'ko nói. "Nga một mặt sử dụng bom lượn để tập kích trung tâm chỉ huy và cơ sở hậu cần. Mặt khác, nhờ có các máy bay không người lái (UAV) trinh sát hiện đại, các chiến đấu cơ Nga cũng ném bom lượn cả ở tiền tuyến. Đôi khi bom lượn được sử dụng kết hợp với các mẫu UAV tự sát như Lancet".
"Hệ thống trinh sát trên không của Nga rất tinh vi với các mẫu UAV tầm cao như Orlan hay Zala. Một khi xác định vị trí mục tiêu, Nga sử dụng kết hợp UAV Lancet và bom lượn KAB tấn công", binh sĩ Solon'ko nói thêm. "Các tuyến phòng thủ tiền phương của chúng tôi liên tục bị Nga dội bom thông minh. Ở nhiều nơi, mọi thứ bị san phẳng, ngay cả các chiến hào kiên cố cũng không còn sử dụng được".
Solon'ko cũng nói về việc các binh sĩ Ukraine chiến đấu ở tiền tuyến luôn có nguy cơ bị UAV trinh sát Nga phát hiện, chỉ thị mục tiêu cho máy bay dội bom.
Theo Forbes, bom lượn dẫn đường là một trong những loại vũ khí Nga sử dụng tương đối hiệu quả, gián tiếp khiến cuộc phản công của quân đội Ukraine bị chậm lại rõ rệt.
Trong hơn 10 tuần kể từ khi mở cuộc phản công, Ukraine được cho là chỉ tiến thêm được 16km ở tiền tuyến, chủ yếu là ở miền nam.
Đăng Nguyễn - Forbes
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/binh-si-ukraine-noi-ve-vu-khi-dang-ngai-nhat-cua-nga-a11349.html