Theo hãng tin Guardian, chương trình này nằm trong chiến dịch của cảnh sát Tp.Fukuoka để buộc các tài xế từng tự tin về tửu lượng và khả năng lái xe sau khi uống rượu phải suy nghĩ lại, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, chương trình nâng cao nhận thức này cũng nhằm tưởng nhớ vụ tai nạn chấn động xảy ra năm 2006 khi một quan chức địa phương lái xe trong tình trạng say xỉn tông vào ô tô chở 3 em nhỏ khiến cả 3 thiệt mạng.
Những người tham gia cuộc thử nghiệm gần đây bao gồm 2 phóng viên của báo Mainichi Shimbun. Trong đó, phóng viên Hyelim Ha đã uống rượu và lái xe. Người còn lại là anh Shojiro Kubota hoàn toàn tỉnh táo (không sử dụng rượu bia) và ngồi ở ghế hành khách để quan sát đồng nghiệp.
Đầu tiên, phóng viên Hyelim Ha, lúc này vẫn tỉnh táo, được yêu cầu lái xe qua 3 đoạn đường gồm đoạn dốc, khúc cua hình chữ S và một loạt khúc cua hẹp. Sau đó, người này uống 1 lon bia 350 ml, cũng như 1 cốc rượu mận umeshu và rượu shochu được pha với nước trong khoảng 1 giờ.
Kết quả kiểm tra hơi thở của cô Ha cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở là 0,30mg cồn/lít khí thở, gấp đôi ngưỡng theo quy định của Nhật là 0,15mg.
Mặc dù tay lạnh, nhịp tim tăng cao và mặt đỏ bừng, phóng viên Ha vẫn tin tưởng bản thân đủ khả năng cầm lái. Đây là điều mà tài xế gây ra vụ tai nạn 17 năm trước từng khai với cảnh sát.
Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm trên thực tế đã chứng minh sự tự tin của cô Ha là sai lầm.
Người đồng nghiệp ngồi trên xe cho biết, cô Ha đã liên tục tăng và giảm tốc độ một cách không cần thiết dù đang di chuyển trên đường thẳng và di chuyển vào một khúc cua với tốc độ cao hơn, có lúc lấn sang làn ngược chiều.
"Mặc dù uống rượu làm suy giảm các kỹ năng cần thiết khi lái xe, chẳng hạn như khả năng nhận thức, phán đoán và điều khiển phương tiện, người lái xe vẫn cho rằng họ đang lái xe an toàn. Đó là mối nguy hiểm khi uống rượu và lái xe", phóng viên Kubota nói.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết, nhiều tài xế uống rượu và lái xe mà không gây ra sự cố sẽ cho rằng mình có khả năng cầm lái vững vàng và tiếp tục lặp lại những hành vi nguy hiểm tương tự.
Tờ Guardian dẫn số liệu của cảnh sát Nhật Bản cho thấy, xác suất một vụ tai nạn giao thông đường bộ gây tử vong khi người lái xe uống rượu cao gấp 7 lần so với những vụ tai nạn mà người lái xe tỉnh táo.
Minh Hoa (t/h theo Giao Thông, Thanh Niên)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/truong-day-lai-xe-o-nhat-ban-thu-cho-tai-xe-uong-ruou-roi-lai-xe-a11666.html