Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.
Theo đó, thị trường bất động sản vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Bên cạnh đó, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động, giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án, hợp đồng…diễn ra phổ biến, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản có xu hướng tăng lên.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã lần thứ 4 giảm lãi suất điều hành, cùng với đó các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất liên tục trong vòng 3 tháng gần đây được xem là một biện pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và góp phần phát triển thị trường bất động sản.
Chưa hết, trong Nghị quyết số 97/NQ-CP, Chính phủ giao NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%.
Sáng 15/7, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các Ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Có thể thấy, mặc dù lãi suất vay trong thời gian qua đã giảm tương đối, và có một vài điểm sáng về chính sách, song thị trường bất động sản vẫn diễn biến trầm lắng.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, cái khó hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng không phải ở lãi suất mà ở dòng tiền bán hàng.
"Lãi suất giảm cũng khó giúp thanh khoản bất động sản phục hồi nhanh được. Thị trường bất động sản hiện nay khác với thời điểm trước đây ở mặt bằng giá. Thị trường hiện giờ đã qua thời mua cao bán cao, lý do là giá đã được đẩy lên quá cao rồi. Mức giá cao nhưng giá trị khai thác trên bất động sản đó lại thấp. Vì vậy, dù lãi suất giảm nhưng sức hút vẫn chưa đủ mạnh", ông Hiển nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất sẽ giúp giảm chi phí vay, nhà đầu tư nhờ đó tạo tâm lý và động lực của người mua và nhà đầu tư.
"Mặc dù lãi suất giảm có thể tạo ra lợi ích tài chính, nhưng tâm lý của người mua và nhà đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu có sự không chắc chắn về tương lai kinh tế hoặc lo ngại về rủi ro, người mua và nhà đầu tư có thể chần chừ và hoãn việc đầu tư, mua bất động sản", ông Quốc Anh nhận định.
Ngoài ra, một số chuyên ra trong ngành cho rằng, để khơi thông thị trường bất động sản, ngoài việc hạ lãi suất, tạo dòng tiền thì vấn đề tháo gỡ vướng mắc pháp lý là vấn đề quan trọng quyết định thị trường phát triển bền vững.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc giảm lãi suất là tin tốt cho thị trường, song không quyết định hoàn toàn việc thị trường bất động sản hồi phục trở lại.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là rất nhiều dự án vẫn chưa tháo gỡ xong pháp lý, nguồn hàng chất lượng trên thị trường không có nhiều. Do đó, dù giảm lãi suất, tiền ra thị trường nhưng không có hàng hóa để mua. Theo tôi vấn đề gốc rễ vực dậy thị trường vẫn cần giải quyết triệt để các vấn đề về pháp lý. Đây là vấn đề mấu chốt để thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh”, ông Đính nói.