Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Quyết định chấp thuận Chủ trương đầu tư Dự án Kho Cảng LNG Sơn Mỹ, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ.
Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ là dự án trọng điểm về dầu khí, nằm trong chuỗi dự án khí-điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,338 tỷ USD, toạ lạc tại khu công nghiệp Sơn Mỹ I, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Cùng với dự án này, sắp tới sẽ có 2 dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 được triển khai, với tổng công suất lắp đặt 4.500 MW, cũng sẽ là tổ hợp điện khí lớn của Việt Nam.
Tỉnh Bình Thuận đề nghị nhà đầu tư Kho cảng LNG Sơn Mỹ tập trung mọi nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành như nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Hàm Tân phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng về bức xạ mặt trời và năng lượng gió, nhất là điện gió ngoài khơi. Bờ biển dài, tốc độ gió cao và ổn định, tiềm năng điện gió ngoài khơi Bình Thuận đã lọt vào mắt xanh các nhà đầu tư nước ngoài.
UBND tỉnh Bình Thuận đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu của các quốc gia đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện Bình Thuận đã có 8 dự án điện gió ngoài khơi do các nhà đầu tư đăng ký, có tổng công suất tới 21.500 MW.
Dự án Thăng Long Wind là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của cả nước được cấp phép khảo sát gió (tại vùng biển Kê Gà-Hàm Thuận Nam). Bình Thuận cũng đã từng kiến nghị Chính phủ đưa 11 dự án điện gió vào Quy hoạch điện 8 (trong đó có 8 dự án điện gió ngoài khơi).
Mặt khác, Bình Thuận cũng có cơ hội thuận lợi để phát triển điện khí LNG. Bình Thuận có bờ biển dài 192 km từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nằm trên tuyến hàng hải nội địa và quốc tế, Bình Thuận có tiềm năng và rất chú trọng phát triển hệ thống cảng biển. Đây là tiềm năng thuận lợi để đầu tư kho cảng LNG.
Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2030 xác định: Thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG; xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, mặt biển…
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 48 nhà máy điện các loại. Nếu thêm 2 nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 (dự kiến năm 2028 sẽ hoàn thành), thì Bình Thuận sẽ vượt xa các địa phương khác về công nghiệp năng lượng, là trung tâm năng lượng lớn của quốc gia. Nguồn thu ngân sách từ sản xuất điện năng khá cao và ổn định.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dia-phuong-duoc-dau-tu-13-ty-usd-xay-kho-cang-lng-co-tiem-nang-nang-luong-ra-sao-a1200.html