Mời 3 đối thủ cạnh tranh vào BRICS: Nga đối diện ván bài "cân não"

Iran, Ả Rập Saudi và UAE là những đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường dầu mỏ, cùng bán cho khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Sức hấp dẫn giảm bớt

Sau hội nghị thượng đỉnh tại Nam Phi, nhóm BRICS đã tuyên bố mời Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trở thành thành viên của nhóm.

Nhìn thoáng qua, BRICS có vẻ hùng mạnh. Hiện tại, khối này chiếm khoảng 1/4 GDP thế giới và hơn 1/3 dân số. Những con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu việc gia nhập 6 thành viên mới chính thức có hiệu lực vào đầu năm tới.

Mời 3 đối thủ cạnh tranh vào BRICS: Nga đối diện ván bài cân não - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi

Nhưng những gì đã xảy ra cho thấy nhóm còn phải nỗ lực để biến những con số kia thành ảnh hưởng thực sự, Tiến sĩ Ivan U. Klyszcz, nghiên cứu viên của trung tâm quốc tế International Centre for Defence and Security (ICDS), nghiên cứu về vấn đề nội bộ và chính sách đối ngoại cho hay.

Sự hấp dẫn ban đầu của BRICS đến từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế và tỷ trọng ngày càng tăng của họ trong GDP thế giới.

Hiện tại sự lạc quan này đã giảm bớt. Triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng kém hứa hẹn hơn so với thời điểm BRICS hình thành.

Khối đã phát triển một số sáng kiến chung như Ngân hàng Phát triển Mới (NBD) như một giải pháp thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Nhưng đến nay, tổng số tiền cho vay của NDB kể từ năm 2015 chỉ bằng 1/3 so với những gì World Bank cam kết trong năm 2021.

Các mối quan tâm trong chương trình nghị sự của Nga ít được các nước khác lưu tâm. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Moscow tại hội nghị thượng đỉnh là phi đô la hóa.

Giao dịch bằng đồng nội tệ sẽ giúp tránh, nếu không muốn nói là trốn tránh hoàn toàn, các biện pháp trừng phạt quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành viên BRICS mua năng lượng của Nga. Tuy nhiên, triển vọng phi đô la hóa hoàn toàn vẫn khó nắm bắt nếu không muốn nói là hoàn toàn viển vông. Đồng đô la Mỹ vẫn ổn định hơn đáng kể so với đồng Rúp (Nga) và đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc).

Nếu có đồng tiền nào trong số này là nền tảng của một đơn vị tiền tệ trao đổi duy nhất, thì đó có thể là Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nhưng 7 năm sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bổ sung đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ của mình, đồng tiền này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dự trữ toàn cầu.

Nga đối mặt cả lợi và hại

Khối mở rộng có thể mang lại những cơ hội mới cho hợp tác song phương bởi cả 6 quốc gia đều có thể được coi là đối tác chiến lược của Nga.

Những lợi ích mà các thành viên mới có thể mang lại cho Nga rất đa dạng. Iran đã cung cấp các máy bay không người lái (UAV) cho Nga. UAE cung cấp một môi trường mà Nga được cho là có thể né các lệnh trừng phạt. Ai Cập là đối tác cam kết của Nga trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về năng lượng hạt nhân, nhập khẩu ngũ cốc của Nga…

Tuy nhiên, 6 thành viên mới cũng sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Nga. Không ai trong số các nước này là đối tác thương mại hoặc đầu tư lớn với Moscow.

Mặc dù đôi khi họ có thể phối hợp các chính sách thương mại nhưng Iran, Ả Rập Saudi và UAE là những đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, cùng đang bán cho khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Xem xét tất cả những điều này, làn sóng mở rộng BRICS được công bố là một điều tích cực thực sự đối với Nga, nhưng chỉ có tính ngắn hạn.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/moi-3-doi-thu-canh-tranh-vao-brics-nga-doi-dien-van-bai-can-nao-a12042.html