Theo Tân Hoa Xã, vào ngày 31/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc và quyết định phê duyệt các dự án điện hạt nhân vịnh Thạch Đảo (Sơn Đông), Ninh Đức (Phúc Kiến) và Từ Đại Bảo (Liêu Ninh). Mỗi dự án gồm 2 tổ máy.
Đây là lần đầu tiên trong năm nay chính phủ Trung Quốc "bật đèn xanh" cho các dự án điện hạt nhân mới.
Ước tính, tổng vốn đầu tư cho mỗi tổ máy hạt nhân là khoảng 20 tỷ NDT (2,79 tỷ USD) và sáu tổ máy dự kiến sẽ có tổng vốn đầu tư là 120 tỷ NDT.
Dữ liệu của Sách xanh do Hiệp hội Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CNEA) mới đây công bố cho thấy, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về số lượng các tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng.
Sách xanh cho biết, Trung Quốc có 24 tổ máy điện hạt nhân đang được xây dựng với tổng công suất lắp đặt là 26,81 triệu kW.
Kể từ năm 2022, Trung Quốc đã phê duyệt 10 tổ máy điện hạt nhân mới, đưa 3 tổ máy mới vào vận hành thương mại và bắt đầu xây dựng 6 tổ máy mới.
Số lượng tổ máy phản ứng hạt nhân đang được xây dựng của Trung Quốc nhiều gấp khoảng 2-3 lần so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Ví dụ, Ấn Độ đứng vị trí thứ hai với 8 tổ máy phản ứng đang được xây dựng, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba với 4 tổ máy phản ứng hạt nhân đang được xây dựng; trong khi Mỹ chỉ có 1 tổ máy đang được xây dựng.
Tính chung, Trung Quốc có 54 tổ máy điện hạt nhân thương mại với tổng công suất lắp đặt 56,82 triệu kW, đứng thứ 3 thế giới.
Chia sẻ với CNBC, ông Jacopo Buongiorno, Giáo sư khoa học và kỹ thuật hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts nói: " Trung Quốc trên thực tế là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ hạt nhân vào thời điểm hiện tại ".
Kenneth Luongo, chủ tịch kiêm người sáng lập Hiệp hội Đối tác vì An ninh Toàn cầu, tán thành và cho rằng, Trung Quốc đang dẫn đầu, thậm chí bỏ xa nhiều nước khác.
" Mọi người đều cho rằng Mỹ đã mất đi sự thống trị toàn cầu về năng lượng hạt nhân. Xu hướng này bắt đầu vào giữa những năm 1980 ", Luongo nói, khi ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ bắt đầu tụt lại phía sau thì Trung Quốc mới bắt đầu.
" Trung Quốc bắt đầu xây dựng lò phản ứng đầu tiên vào năm 1985, ngay khi việc xây dựng hạt nhân của Mỹ bắt đầu suy giảm mạnh ".
Lò phản ứng hạt nhân ở Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Getty
Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo hạt nhân mới
Điện năng dựa theo nhu cầu, vì vậy các lò phản ứng hạt nhân mới có xu hướng được xây dựng ở những nơi kinh tế phát triển nhanh, cần điện để thúc đẩy tăng trưởng.
Dữ liệu của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho thấy, trong khi hơn 70% công suất hạt nhân hiện có được sản xuất tại các quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thì gần 75% các lò phản ứng hạt nhân hiện đang được xây dựng ở các quốc gia không thuộc OECD và một nửa trong số đó là ở Trung Quốc.
Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, sản lượng năng lượng của nước này cũng tăng theo. Theo Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ (NEI), tổng sản lượng năng lượng của Trung Quốc trong năm 2020 đạt 7.600 terawatt giờ, tăng mạnh so với 1.280 terawatt giờ vào năm 2000 .
" Nhiệm vụ hàng đầu là đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đáng kinh ngạc trong 20 năm qua ", chuyên gia John F. Kotek thuộc NEI nói. "Vì vậy, họ không chỉ xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân mà còn xây dựng rất nhiều thứ".
Theo ông Luongo, Trung Quốc đã khởi động chương trình hạt nhân của mình bằng cách mua các lò phản ứng từ Pháp, Mỹ và Nga, đồng thời xây dựng lò phản ứng hạt nhân nội địa như lò Hualong, với sự hợp tác với Pháp.
Đáng chú ý, ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc phát triển mạnh nhờ sự hỗ trợ từ trung ương.
" Họ đã xây dựng một ngành công nghiệp dưới sự hỗ trợ của nhà nước hỗ trợ, cho phép xây dựng nhiều tổ máy hạt nhân với chi phí thấp hơn ", ông Luongo nói.
Lò phản ứng hạt nhân tiên tiến của Mỹ. Ảnh: Getty
Mỹ đặt tương lai vào công nghệ hạt nhân tiên tiến
Mỹ và châu Âu đã dần dần bắt đầu xây dựng lại lĩnh vực năng lượng hạt nhân với thành công ở mức trung bình.
" Các quốc gia này chỉ khởi động lại việc xây dựng nhà máy hạt nhân cách đây 10 đến 15 năm. Chuỗi cung ứng và lực lượng lao động chuyên môn hầu như đã biến mất, dẫn đến tình trạng vượt chi phí nghiêm trọng và chậm trễ tiến độ ", chuyên gia Biongiorno nói.
Tuy vậy, Mỹ đang có những động thái nhằm giành lại hào quang trước đây.
Chính phủ Mỹ đang cung cấp các khoản trợ cấp để duy trì hoạt động của một số nhà máy hạt nhân hiện có và bán một số lò phản ứng hạt nhân lớn cho Đông Âu. Tuy nhiên quốc gia này đang đặt nhiều tham vọng vào việc mở rộng thị trường vào công nghệ hạt nhân tiên tiến.
" Nếu các công nghệ mới đang được phát triển ở đây – bắt đầu từ các lò phản ứng mô-đun nhỏ và lò phản ứng vi mô – thành công về mặt kỹ thuật và thương mại, thì Mỹ có thể bắt kịp, nhưng điều đó vẫn chưa chắc chắn ", Biongiorno nhận định.
Nhà Trắng đang đổ hàng tỷ USD vào việc phát triển những lò hạt nhân loại này.
Ngoài việc nhỏ hơn và rẻ hơn để xây dựng, các lò phản ứng mô-đun nhỏ rất phù hợp để cung cấp nhiệt cho các quy trình công nghiệp.
Một phần trong nỗ lực tái khởi động ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ cũng là mong muốn trở thành nước xuất khẩu công nghệ lò phản ứng hạt nhân.
" Mỹ nhận thấy mình đang ở thế bất lợi trong lĩnh vực xuất khẩu hạt nhân và đang cố gắng tái định vị mình để trở thành đối thủ lớn trong 15 năm tới ", chuyên gia Luongo dự đoán, hoạt động xuất khẩu hạt nhân của Mỹ sẽ bao gồm các lò phản ứng hạt nhân lớn, giống như những lò được bán cho Đông Âu, nhưng "một phần quan trọng của chiến lược này là các lò phản ứng mô-đun nhỏ và tiên tiến".
Ở đây, một lần nữa, Mỹ lại đối đầu Trung Quốc.
" Trung Quốc có lý khi coi năng lượng hạt nhân là một ngành công nghiệp chiến lược. Họ biết rằng xuất khẩu năng lượng hạt nhân giúp xây dựng mối quan hệ lâu dài với các nước đối tác. Do đó, họ đã đầu tư rất nhiều vào năng lực năng lượng hạt nhân trong nước và hiện đang tìm cách xuất khẩu các thiết kế lò phản ứng của mình sang các nước khác ", ông Kotek bình luận.
Nhưng để giành được lợi thế trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu hạt nhân Mỹ cần có hiện vật sẵn trên mặt đất.
" Mỹ được công nhận rộng rãi là nhà cung cấp công nghệ năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới nhưng chỉ có những thiết kế ưu việt trên giấy là chưa đủ bởi hầu hết các quốc gia khác đều muốn thấy công nghệ đó được xây dựng thực tế trên mặt đất trước khi họ xem xét xây dựng ở nước họ ", ông nói thêm.
" Tôi tin rằng Mỹ và các đồng minh năng lượng hạt nhân thân cận đang bắt đầu một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành vị trí thống trị trên thị trường xuất khẩu năng lượng hạt nhân toàn cầu ".
Khi nhu cầu về năng lượng sạch tiếp tục gia tăng, sự cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu trong ngành hạt nhân quốc tế sẽ trở nên gay gắt hơn.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/trung-quoc-khong-doi-thu-o-1-linh-vuc-quoc-vu-vien-bat-den-xanh-au-my-bi-bo-xa-phia-sau-a12089.html