Thủ tướng Ấn Độ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 tại Bali, Indonesia. Ảnh: AP
Kể từ khi thành lập đến nay, G20 đã thành công trong việc chèo lái nền kinh tế toàn cầu vượt qua những “vùng nước” đầy hỗn loạn. Nhóm này cũng đóng vai trò then chốt trong việc ổn định hệ thống tài chính toàn cầu trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, phối hợp các biện pháp kích thích và cải cách giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Một trong những thế mạnh lớn nhất của G20 là sức hấp dẫn ngoại giao. Không giống như các tổ chức quốc tế chính thức, Nhóm 20 bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương hoạt động không chính thức, cho phép đối thoại thẳng thắn và xây dựng sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo.
Mô hình này cho phép nhóm tạo ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề toàn cầu mà không cần đến các cam kết ràng buộc. Khả năng kết nối các nhà lãnh đạo từ các nền văn hóa và hệ thống chính trị khác nhau đã nâng tầm ảnh hưởng của nhóm, khiến G20 trở thành nhân tố chủ chốt trong việc định hình các chương trình nghị sự toàn cầu.
Nền tảng hình thành và vai trò của G20
G20 là một diễn đàn đa quốc gia bao gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và với Liên minh châu Âu (EU). Nhóm này hoạt động như một nền tảng toàn cầu - bao gồm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu trên toàn thế giới.
G20 được thành lập vào năm 1999 để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998. Nhóm này đóng vai trò là nền tảng để các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương thảo luận về các vấn đề kinh tế và tài chính trên toàn thế giới.
Nhóm 19 quốc gia thành viên chiếm tổng cộng 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, 75% thương mại quốc tế và là nơi sinh sống của 2/3 dân số toàn cầu.
Có mối quan hệ đối tác kinh tế xuyên quốc gia, G20 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu liên quan đến tất cả các thách thức kinh tế quốc tế quan trọng.
Chủ tịch G20 năm 2023
G20 hoạt động không có ban thư ký hay nhân viên thường trực. Thay vào đó, Chủ tịch G20 thay đổi luân phiên hàng năm giữa các thành viên và được lựa chọn từ các nhóm quốc gia khác nhau trong khu vực.
Trong mỗi nhóm, các quốc gia thành viên có cơ hội ngang nhau để đảm nhận chức vụ Chủ tịch trong nhiệm kỳ được phân bổ của nhóm mình. Hiện nay, Ấn Độ, thành viên Nhóm 2, giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 từ ngày 1/12/2022 đến ngày 30/11/2023, chịu trách nhiệm đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm 2023.
Trách nhiệm của Chủ tịch G20 là đảm bảo củng cố chương trình nghị sự của G20 thông qua tham vấn với các quốc gia thành viên để ứng phó với những biến động kinh tế toàn cầu. Để duy trì quá trình chuyển tiếp liền mạch, Chủ tịch G20 sẽ nhận được sự hỗ trợ từ “Troika” - được hiểu là 3 thành viên của G20 bao gồm nước giữ cương vị chủ tịch đương nhiệm, chủ tịch của năm trước, và chủ tịch của năm tiếp theo. Trong nhiệm kỳ của Ấn Độ với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2023, Troika bao gồm Indonesia, Ấn Độ và Brazil.
Chủ đề Hội nghị thượng đỉnh G20 2023
Ảnh: Hindustan Times
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023 dự kiến được tổ chức vào ngày 9 – 10/9 tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Quốc tế Bharat Mandapam, nằm trong Trung tâm Hội nghị ITPO, Pragati Maidan ở New Delhi.
Hội nghị G20 2023 sẽ tập trung vào chủ đề: “Vasudhaiva Kutumbakam” – theo tiếng Phạn có nghĩa là “Trái đất này là một gia đình”.
Những nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023
Nhóm G20 bao gồm các nhà lãnh đạo từ Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh Châu Âu .
Nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng tham gia hội nghị G20 năm nay. Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận tham dự sự kiện này. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng được cho là "mong đợi" tham dựsự kiện này.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ không dự Thượng đỉnh G20 ở New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 9, cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đi thay.
Một số nguồn thạo tin tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ không dự hội nghị này,và Thủ tướng Lý Cường sẽ đại diện Bắc Kinh tham dự hội nghị.
Các quan chức Ấn Độ cũng được cho là đã mời các đại biểu từ Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Hà Lan, Nigeria, Oman, Singapore, Tây Ban Nha và UAE tới hội nghị thượng đỉnh G20.
Ngoài ra, đại diện của Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới, cũng sẽ tham dự G20.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/nhung-nuoc-tham-du-va-chu-de-cua-hoi-nghi-thuong-dinh-g20-nam-2023-a12220.html