Trong ngày Quốc khánh 2/9, làng Hoàng Trù (hay còn gọi là làng Chùa, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đón hàng vạn lượt người tới thăm. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây 5 năm trước khi theo cha vào Huế.
Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - bà Hoàng Thị Loan (1868-1901), sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học, yêu nước. Cha của bà là cụ Hoàng Xuân Đường, một nhà nho nhân văn có tiếng trong vùng. Vượt qua lễ giáo phong kiến, cụ Hoàng Xuân Đường gả con gái cho cậu học trò nghèo mồ côi Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) mà ông nuôi ăn học. Năm 1883, cụ Hoàng Xuân Đường cắt đất, dựng một căn nhà mái lá, vách nứa 3 gian ở phía tây khu vườn cho con gái và con rể ở. Cũng nơi đây, những người con Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung lần lượt chào đời.
“Ngày Tết Độc lập, chúng tôi từ Quảng Ninh vào thăm quê hương Bác Hồ. Chúng tôi thực sự xúc động trước sự giản dị, đơn sơ, mộc mạc trong ngôi nhà Bác Hồ được sinh ra và trải qua những năm tháng đầu đời. Sự giản dị, đơn sơ, mộc mạc ấy đã làm nên một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn – một người suốt cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước”, ông Nguyễn Xuân Minh, 52 tuổi, quê Quảng Ninh chia sẻ.
Chiếc võng nằm ngang giữa 2 gian nhà trong ngôi nhà 3 gian bé nhỏ của gia đình Bác. Võng dài 3,2m, rộng 1,5m, bằng chất liệu cói. Đêm đêm, dưới mái nhà tranh ở làng Hoàng Trù, hòa cùng tiếng thoi đưa, bà Hoàng Thị Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình, trong đó có Nguyễn Sinh Cung đi vào giấc ngủ.
Bên cạnh chiếc võng là khung cửi đã đồng hành cùng “Người Mẹ Làng Sen” nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Những tấm vải qua bàn tay khéo léo của bà trở thành nguồn thu nhập không nhỏ để trang trải cuộc sống, lo toan cho gia đình. Đây cũng chính là kỷ vật đã gieo vào tâm hồn Bác, tạo nên nhiều giá trị trong nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những chiếc thúng mây tre gác dưới mái nhà phía trên bếp.
Gian nhà ngoài là nơi cụ Hoàng Đường mở lớp dạy học. Đây là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của ông Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Bác Hồ.
Đĩa dầu lạc đêm đêm vẫn thắp sáng để bà Hoàng Thị Loan đưa thoi dệt vải, thức bầu bạn với chồng.
Trên chiếc giường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời. Đây là một kỷ vật thiêng liêng của gia đình Bác, được sưu tầm vào năm 1959. Chất liệu được làm bằng gỗ xoan, dài 1,58m, rộng 1,5m, cao 0,35m, liếp nứa to bản, trên trải một chiếc chiếu mộc.
Chiếc chum nước còn nguyên vẹn ở góc bếp.
Gian nhà ngoài là nơi học tập và nghỉ ngơi của ông Nguyễn Sinh Sắc. Đầu hồi là chiếc án thư, nghiên mực và ống đựng bút lông.
Hàng năm, đặc biệt là vào dịp Quốc khánh, du khách muôn phương đã về đây để thăm và nghe kể về những năm tháng ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.