Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than trong tháng 7 đạt 55.732 tấn, tương đương 15 triệu USD, giảm 63% về lượng và giảm 72% so với tháng 6. So với tháng 7/2022, xuất khẩu than tháng này giảm 60% về lượng và giảm 13% về giá trị.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 262.984 tấn, tương đương hơn 93 triệu USD, giảm 65,3% về lượng và giảm 62,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5/2023, giá than xuất khẩu đã lập đỉnh trong giai đoạn 2020 đến nay với 419 USD/tấn. Tuy nhiên giá mặt hàng này lại lao dốc hai tháng liên tiếp, xuống còn 276 USD/tấn vào tháng 7. Bình quân 7 tháng đầu năm 2023, giá than xuất khẩu ở mức 356 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi xuất khẩu than sang các thị trường truyền thống như Indonesia, Nhật Bản, Phillipines, Hàn Quốc giảm mạnh thì bán hàng sang Hà Lan - một quốc gia châu Âu lại ghi nhận tăng đột biến.
Cụ thể, xuất khẩu than vào thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2023 là 21.675 tấn, kim ngạch đạt 8,82 triệu USD. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2022, Hà Lan chỉ nhập 341 tấn, trị giá 60,8 nghìn USD.
Như vậy, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 6.156% về lượng và tăng 14.319% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Lượng xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm đã gấp gần 2 lần tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này trong cả năm 2022.
Tỷ trọng xuất khẩu than các loại sang Hà Lan chỉ chiếm 8% về lượng và 9% kim ngạch trong tổng xuất khẩu của Việt Nam 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên đây là thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh nhất.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu bình quân sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 407,3 USD/tấn, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu từ Bloomberg, gần 70% lượng than đá nhập khẩu để sản xuất điện của Liên minh châu Âu là đến từ Nga. Chính vì vậy lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU đã gây ảnh hưởng nặng nề cho 27 quốc gia thành viên, do đó phải tăng cường nhập khẩu than đá từ các nguồn cung khác dẫn đến nhập khẩu từ Việt Nam cũng tăng theo.
Theo báo cáo nghiên cứu năng lượng Statistical Review of World Energy năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế Năng lượng (Anh), tổng trữ lượng than trên thế giới tính đến cuối năm 2021 là 1.074 tỷ tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á (459,75 tỷ tấn), Bắc Mỹ (256,73 tỷ tấn), cộng đồng các quốc gia độc lập CIS (190,65 tỷ tấn) và châu Âu (137,24 tỷ tấn).
5 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất trên thế giới bao gồm Mỹ (248,94 tỷ tấn), Nga (162,17 tỷ tấn), Úc (150,23 tỷ tấn), Trung Quốc (143,15 tỷ tấn) và Ấn Độ (111,05 tỷ tấn). Các nước này chiếm 75,94% tổng trữ lượng than toàn thế giới. Cùng với đó, 3 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia (34,87 tỷ tấn), Việt Nam (3,36 tỷ tấn) và Thái Lan (1,06 tỷ tấn).