10 năm đi tìm mảnh ghép lịch sử trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Ròng rã suốt 10 năm qua, ông Công đã đi tìm những mảnh ghép lịch sử về sân bay LiBi, chứng tích trong lòng hồ Kẻ Gỗ; về danh tính những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

 

Sân bay dã chiến trong lòng hồ

Tháng Tám, khi mực nước trong lòng Hồ Kẻ Gỗ (đóng trên địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được xả để phục vụ cho việc tưới tiêu, giữa lòng hồ lộ ra sân bay LiBi với chi chít những hố bom - chứng tích lịch sử còn sót lại. Ở giữa lòng hồ này, có hàng chục liệt sĩ đã ngã xuống trong trận thả bom B52 của đế quốc Mỹ nhằm xoá sổ sân bay dã chiến, chặn đứt kết nối tuyến đường chiến lược của quân ta.

Sự kiện - 10 năm đi tìm mảnh ghép lịch sử trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Toàn cảnh sân bay LiBi trong lòng hồ Kẻ Gỗ. Tên sân bay được đặt theo tên con Khe chảy từ núi ra.

Theo ghi chép, đầu năm 1965, các tuyến đường ngày đêm bị địch đánh phá ác liệt với mưu đồ cắt đứt quốc lộ 1A tại Đèo Ngang (Hà Tĩnh) và vùng Địa Lợi - Chu Lễ trên đường 15A. Trước tình hình đó, Bộ GTVT chủ trương giành thế chủ động trong vận tải, bằng cách mở thêm các tuyến đường song song để tránh các trọng điểm đánh phá của địch, đồng thời đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1966, Bộ GTVT quyết định mở đường 22.

Đường 22 dài 65km, từ ngã ba Thình Thình nay thuộc xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Lực lượng tham gia mở đường 22 gồm 4 Đội TNXP với khoảng hơn 6.000 người. Đến cuối năm 1970, đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành.

Theo tài liệu, trong quá trình mở đường 22, nhận thấy, hàng chục hecta đất bằng phẳng nằm dưới chân núi, lực lượng quốc phòng thời đó chọn điểm này làm sân bay dã chiến mang tên LiBi.

Ngày 30/9/1972, 92 công nhân kiến trúc, 36 công nhân xí nghiệp gạch Cẩm Thành do ông Đinh Trương Đôn - Giám đốc Xí nghiệp Vôi Đò Điệm làm C trưởng (Đại đội trưởng) - được điều động vào công trường 723 ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để xây dựng sân bay LiBi.

Sự kiện - 10 năm đi tìm mảnh ghép lịch sử trong lòng hồ Kẻ Gỗ (Hình 2).

Những hố bom - chứng tích lịch sử của trận ném B52 vẫn còn in dấu trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Sân bay dã chiến LiBi gắn với tuyến đường đường 22 được ta xác định là sân bay gần nhất để miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến khoảng cuối năm 1972 đầu năm 1973, sân bay cơ bản hoàn thành, nhưng bị đế quốc Mỹ phát hiện. Địch dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt nhằm xoá sổ sân bay dã chiến này.

Ông Nguyễn Phi Công, Phó Giám đốc BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, là người đã dày công đi tìm những mảnh ghép lịch sử về trận B52 thả xuống sân bay LiBi ròng rã suốt 10 năm nay.

Hành trình 10 năm đi tìm mảnh ghép lịch sử

Phó Giám đốc BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, vào ngày 7/1/1973, đế quốc Mỹ ném bom B52 xuống thẳng sân bay LiBi nhằm phá huỷ toàn bộ sân bay dã chiến. Làn bom của địch đã khiến 32 chiến sĩ tại đây hi sinh. Lúc đó, ông Công mới lên 8 tuổi, cha ông là cán bộ của ban trực chiến xã nên ông nhớ rất rõ, hình ảnh cha mình đi mượn từng chiếc hòm của người dân trong xã để làm lễ chôn cất các chiến sĩ hi sinh sau trận ném bom.

“Thời đó, cha tôi làm cán bộ của ban trực chiến xã, tôi mới lên 8 tuổi nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ tôi nhớ rất rõ hình ảnh các chiến sĩ hi sinh như thế nào”, ông Công nói.

Sự kiện - 10 năm đi tìm mảnh ghép lịch sử trong lòng hồ Kẻ Gỗ (Hình 3).

Hơn 10 năm nay, ông Công đã đi tìm danh tính các liệt sĩ hi sinh tại sân bay LiBi.

Theo ông Công, không chỉ trận B52 tại sân bay LiBi mà hạ lưu hồ Kẻ Gỗ là một đại đội pháo cũng bị bom B52 của đế quốc Mỹ đánh phá, hi sinh 44 người. Nhưng thời gian đã khiến sân bay LiBi bị “lãng quên” bởi những ghi chép lịch sử về sân bay này rất ít. Tư liệu sân bay LiBi chỉ có những dòng ngắn ngủi trong cuốn lịch sử ngành giao thông Hà Tĩnh, còn lại chỉ nghe kể các trận ném bom ác liệt trên tuyến đường 22 khiến hàng trăm TNXP, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh qua lời của các nhân chứng. Hơn 10 năm qua, ông vẫn luôn mò mẫm đi tìm các tư liệu danh tính liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 22 và trong trận B52 rải xuống sân bay LiBi.

Vào dịp 30/4/2011, trong lần dẫn đoàn hành hương ở Tp.Hồ Chí Minh về thăm hồ Kẻ Gỗ, ông Công đã kể kí ức của mình về sự hi sinh của các chiến sĩ tại sân bay LiBi. Câu chuyện khiến đoàn khách xúc động và gửi 24 triệu đồng để lập miếu thờ cho các liệt sĩ đã hi sinh tại đây.

Có 24 triệu đồng trong tay, ông Công và BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đi vận động thêm rồi trình thủ tục xây miếu thờ lên UBND huyện Cẩm Xuyên. UBND huyện Cẩm Xuyên đã cùng vào cuộc, quyên góp xây dựng được ngôi miếu thờ trị giá hơn 130 triệu đồng. Ngôi miếu được xây dựng cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 thì hoàn thành. Năm 2014, ngôi miếu thờ được cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

“Từ lúc lập miếu thờ, có gì đó cứ thôi thúc tôi phải đi tìm bằng được danh tính các liệt sĩ đã hi sinh trong trận B52 sân bay LiBi. Và tôi bắt đầu đi tìm từ đó”, ông Công nói.

Từ những manh mối rất nhỏ, ông lần theo danh sách những công nhân nhà máy xí nghiệp gạch ngói Cầu Họ từng tham gia xây dựng sân bay LiBi. Ròng rã từ năm 2012, ông Công bắt đầu đi tìm nhưng phải đến tháng 7 năm 2022, ông mới xác định được tên đơn vị xây dựng sân bay LiBi là Tiểu đoàn 2, trung đoàn 229 bộ Tư lệnh Công binh.

Xác định được tên tiểu đoàn mở ra cho ông nhiều manh mối, ông đã đi khắp nơi từ miền Trung ra miền Bắc rồi vào miền Nam, đến nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn… chỉ cần có một thông tin nhỏ là ông lên đường. Cứ như vậy, ròng rã hơn 10 năm qua, ông tự bỏ tiền túi để đi tìm, đến tận nơi xác minh danh tính các liệt sĩ hi sinh.

Sự kiện - 10 năm đi tìm mảnh ghép lịch sử trong lòng hồ Kẻ Gỗ (Hình 4).

Từ mảnh giấy ghi tên các công nhân tham gia xây dựng sân bay LiBi, ông Công từng bước lần tìm danh tính các liệt sĩ.

Không mang chức trách gì nên hành trình tìm kiếm các liệt sĩ của ông Công vô cùng khó khăn, không ít lần bị các đơn vị từ chối. Nhưng với quyết tâm tìm bằng được danh tính các liệt sĩ, được sự động viên, ủng hộ của đơn vị, gia đình, ông Công chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Đến nay, ông đã tìm và xác định được chính xác danh sách 32 liệt sĩ đã hi sinh trong trận bom B52 thả xuống sân bay LiBi.

“Mục tiêu của tôi tìm ra chính xác bao nhiêu liệt sĩ hi sinh và thuộc tiểu đội nào? Để cho con cháu đời sau biết đến chính xác lịch sử về sân bay LiBi. Tôi làm vì cái tâm của mình. Trong tôi như có cái gì thôi thúc, mách bảo cho tôi phải đi tìm. Khi đến tại khu vực sân bay LiBi mới hiểu được sự linh thiêng của vùng đất này”, ông Công nói.

Ông Công cũng chia sẻ, trong danh sách 32 người hiện chỉ còn 01 liệt sĩ tên là Bính ông chưa tìm được thông tin. Ông đã đi khắp nơi nhưng chưa có thông tin về liệt sĩ này. Đó là điều ông mong mỏi nhất và sẽ quyết tâm tìm bằng được.

Bài 2: Sân bay LiBi không bao giờ bị quên lãng

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/10-nam-di-tim-manh-ghep-lich-su-trong-long-ho-ke-go-a12593.html