Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, 4 quân nhân nước này đã thiệt mạng và 1 người khác bị thương trong 1 vụ pháo kích nhằm vào các ngôi làng biên giới nước này từ phía Azerbaijan. Nước này cũng cáo buộc Azerbaijan tập trung lực lượng gần biên giới và tấn công các vị trí của nước này bằng máy bay không người lái, súng cối và một số loại vũ khí nhỏ khác.
Khu vực Nagorno-Karabakh nóng trở lại. Ảnh: Washington Times
Về phía Azerbaijan, nước này lại cáo buộc Armenia dùng máy bay không người lái tấn công các vị trí quân đội dọc biên giới, khiến 3 quân nhân bị thương; bác bỏ việc tập hợp lực lượng gần biên giới Armenia, đồng thời cho biết đã tiến hành các biện pháp trả đũa.
Cuộc đụng độ vũ trang diễn ra sau khi căng thẳng giữa hai nước leo thang trong bối cảnh các hành lang nhân đạo vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh bị đóng cửa trong nhiều tháng, bất chấp những lời kêu gọi mở cửa của Nga, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu. Ngoại trưởng Armenia Ararat Mizoyan kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực hơn nữa lên Azerbaijan về vấn đề này:
“Tôi ở đây để tìm kiếm sự hỗ trợ của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trong việc duy trì triển vọng đạt được hòa bình, cũng như ổn định công bằng và toàn diện trong khu vực. Những vấn đề nhân đạo ở Nagorno-Karabakh cần được giải quyết với sự can thiệp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế để không dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với người dân”.
Tuy nhiên, phía Azerbaijan bác bỏ các cáo buộc từ phía Armenia, khẳng định lãnh thổ Nagorno-Karabakh là lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan và những người dân tộc Armenia sống ở đó được coi là cư dân của Azerbaijan.
Căng thẳng giữa 2 quốc gia từng thuộc Liên Xô, cũng ngay lập tức khiến mối quan hệ nồng ấm một thời giữa Armenia và Nga trở nên xấu hơn. Bộ Ngoại giao Armenia tuần trước cáo buộc đồng minh Nga đang “thờ ơ” trước hành động "xâm lược" của Azerbaijan đối với lãnh thổ có chủ quyền Armenia.
Hôm qua (3/9), Thủ tướng Armenia Pashinyan tiếp tục cho rằng, Nga không thể đảm bảo an ninh cho Armenia trong cuộc xung đột với nước láng giềng Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ông Pashinyan nhận định rằng Nga - vốn có hiệp ước phòng thủ với Armenia và đặt một căn cứ quân sự ở Armenia - không coi nước này “đủ thân thiết”; đồng thời tin rằng Nga đang trong quá trình rời khỏi khu vực Nam Caucasus. Do đó, Armenia đang tính toán đa dạng hóa các thỏa thuận an ninh của nước này, ám chỉ đến mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Theo Thủ tướng Armenia, bộ máy an ninh của này có liên quan gần như 100% với Nga, bao gồm cả mua sắm vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, Nga đang cần vũ khí cho cuộc xung đột tại Ukraine và việc phụ thuộc vào vũ khí Nga sẽ là một sai lầm chiến lược.
Hiện Nga chưa phản hồi về những bình luận của phía Armenia.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/khu-vuc-nagorno-karabakh-nong-tro-lai-armenia-phan-nan-ve-nga-a12668.html