6 luật sẽ có hiệu lực từ 2024 nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai

Chỉ ra tồn tại trong triển khai thực hiện Luật, Nghị quyết, Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan tập trung ưu tiên thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Chiều ngày 6/9, phát biểu chỉ đạo và kết thúc hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, UBTVQH khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của UBTVQH.

Qua theo dõi, giám sát của Quốc hội, UBTVQH… các Ủy ban của Quốc hội, các báo cáo của UBTVQH, Chính phủ và các tham luận tại Hội nghị cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, công tác triển khai thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH còn không ít tồn tại, hạn chế: Công tác tổ chức triển khai một số Luật, Nghị quyết còn chậm.

Tiêu điểm - 6 luật sẽ có hiệu lực từ 2024 nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc hội nghị.

Đặc biệt, trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và 1/7/2024, nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai, trong khi đây là nội dung rất quan trọng, cần thiết để dự kiến các công việc phải làm, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, nghị quyết ngay từ thời điểm có hiệu lực.

Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Cá biệt có một số trường hợp Nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.

Một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển.

Trong khi đó, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng chậm được xử lý.

Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản còn chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực trạng nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết là do người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách.

Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Chính phủ cũng chưa kịp thời xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đều rất lớn và còn có thể phát sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý.

Tập trung ưu tiên 9 nhiệm vụ trọng tâm

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước... các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương và địa phương tập trung ưu tiên các nhiệm vụ sau đây để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Luật, Nghị quyết của Quốc hội:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và Kết luận 19 của Bộ Chính trị. Siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Hai là, Chính phủ cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Tiêu điểm - 6 luật sẽ có hiệu lực từ 2024 nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai (Hình 2).

Quang cảnh hội nghị chiều 6/9.

Ba là, có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương ban hành.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kịp thời phát hiện các quy định qua thi hành có phát sinh vướng mắc, cản trở, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Năm là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Sáu là, tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết 89 của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ, các giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của UBTVQH.

Bảy là, tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; chú trọng giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên.

Tám là, các Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

Chín là, HĐND và UBND các cấp, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương....

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/6-luat-se-co-hieu-luc-tu-2024-nhung-van-chua-co-ke-hoach-trien-khai-a13115.html