Thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm
Chiều 6/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ.
Đồng thời, thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
Ngày 23/6/2023, Quốc hội khoá XV đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 96 nhằm thể chế hóa Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước với các chủ thể giữ vị trí quan trọng trong bộ máy cơ quan Nhà nước.
Về tổ chức triển khai Nghị quyết số 96, bà Nguyễn Thị Thanh cho hay, Nghị quyết số 96 đã quy định đầy đủ, rõ hơn về các nội dung liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn như:
Mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; đối tượng, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không ban hành văn bản hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân như nhiệm kỳ 2016-2021. Thay vào đó, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 96, nếu có phát sinh khó han, vướng mắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hướng dẫn để thống nhất thi hành.
Căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 96, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023) và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023.
Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Trong đó tập trung rà soát đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thành phần ghi phiếu tín nhiệm; Quy trình lấy phiếu tín nhiệm từ công tác chuẩn bị đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; Ban Kiểm phiếu và cách thức kiểm phiếu (trong đó đề xuất việc phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Viện Công nghệ thông tin -Viện Khoa học công nghệ quân sự để thực hiện kiểm phiếu bằng máy; việc công khai và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Công tác Đại biểu đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương quan tâm triển khai một số nội dung sau: Tiếp tục phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết số 96 của Quốc hội đến Hội đồng nhân dân cấp huyện, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Rà soát danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm
Bên cạnh đó, ban hành Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu bảo đảm theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, cẩn trọng; dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh và tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tại Nghị quyết số 96.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu tiếp tục có phát sinh vướng mắc, đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Công tác đại biểu) để có hướng dẫn thống nhất thực hiện.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước;
Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Do đó, việc triển khai Nghị quyết số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có ý nghĩa rất quan trọng, cần được quan tâm, chú trọng và phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trong lần lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV và kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cuối năm 2023 này.
Để thể chế hóa Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Nghị quyết số 96 không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cấp xã. Đây là điểm khác biệt so với Nghị quyết số 85 quy định lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cả cả ba cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).
Nghị quyết số 96 cũng sửa đổi quy định về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm, đó là: Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Như vậy, Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện khoá này không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm từ 1/1/2023 trở lại đây, chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm trước ngày 1/1/2023.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/chuan-bi-ky-luong-viec-lay-phieu-tin-nhiem-tai-ky-hop-thu-6-a13376.html