Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trên đường tới Ấn Độ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, nơi ông dự kiến sẽ tập trung vào cách giải quyết xung đột Nga-Ukraine và cam kết của Mỹ đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Biden từ lâu đã có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của các tổ chức như G20 để cùng nhau hợp tác vào những thời điểm toàn cầu gặp nguy, và hy vọng sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nợ, trong 2 ngày hội nghị, bắt đầu từ ngày 9/9.
Nhưng không giống như G7 – một nhóm nhỏ hơn, G20 quy tụ nhiều quốc gia hơn với nhiều quan điểm khác nhau. Đối với một số quan chức phương Tây, vai trò của G20 đang bị nghi ngờ trong bối cảnh lợi ích bị rạn nứt và nhiều điểm nóng xung đột trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, các trợ lý của Tổng thống Biden nhấn mạnh họ tin diễn đàn này vẫn có khả năng tạo ra những kết quả có giá trị. “Chúng tôi hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh G20 này sẽ cho thấy rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể hợp tác cùng nhau ngay cả trong những thời điểm đầy thách thức”, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết trong tuần này.
Cơ hội nêu bật cam kết
Ngay sau khi hạ cánh xuống New Delhi hôm 8/9, Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp người chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Giống như nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu, Ấn Độ không lên án cuộc chiến của Nga ở Đông Âu và tiếp tục phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng của Moscow.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay gây chú ý vì sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vào tháng 3, hội nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao G20 đã không đưa ra được tuyên bố chung lên án Nga về chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine, trong bối cảnh đại diện của Bắc Kinh và Moscow phản đối ngôn ngữ đề cập đến cuộc chiến.
“Tất nhiên là ông Biden thất vọng vì Chủ tịch Tập không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói. “Có rất nhiều điều sẽ được thảo luận tại hội nghị mà Chủ tịch Tập và Bắc Kinh quan tâm, đặc biệt là những nỗ lực của chúng tôi nhằm cải cách Ngân hàng Thế giới (WB)”.
Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 3,3 tỷ USD tài trợ thêm cho WB, điều mà các quan chức chính quyền cho biết sẽ tạo ra thêm 25 tỷ USD cho vay bổ sung cũng như 1 tỷ USD tài trợ để giúp các nước nghèo nhất đối mặt với khủng hoảng, và 1 tỷ USD tài trợ cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Ông Biden hy vọng sẽ cung cấp cho các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi một giải pháp thay thế cho kế hoạch tầm cỡ toàn cầu của Trung Quốc, được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
“Thực tế là cải cách WB không nhằm chống lại Trung Quốc, một phần không nhỏ vì Trung Quốc là cổ đông WB”, ông Sullivan nhấn mạnh. Vị quan chức Mỹ cho biết thêm: “Chúng tôi tin rằng cần phải có các phương án cho vay tiêu chuẩn cao, không mang tính ép buộc dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình”.
Sự tương phản giữa sự hiện diện của ông Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, nơi bao gồm một số nước đang phát triển – và sự vắng mặt của ông Tập, cũng sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Mỹ nêu bật cam kết của Washington đối với thế giới đang phát triển.
“Khi Chủ tịch Trung Quốc không có mặt, sự tham gia của Tổng thống Biden sẽ nổi bật và nó sẽ gửi một thông điệp tới khu vực và thế giới rằng cam kết của Mỹ là vững chắc”, bà Yun Sun, nghiên cứu viên cao cấp và Đồng Giám đốc Chương trình Đông Á và Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho biết.
Ngoài ra, sự vắng mặt của ông Tập cũng có nghĩa là sẽ không có cuộc gặp song phương nào giữa hai vị Nguyên thủ Quốc gia của Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, giống như đã diễn ra năm ngoái ở Bali, Indonesia.
“Vẫn còn rất sớm”
Nhưng Tổng thống Mỹ vẫn sẽ bận rộn với các cuộc gặp song phương khác bên lề hội nghị. Ví dụ, ông Biden cũng có thể gặp Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS), các phương tiện truyền thông đưa tin, trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực duy trì một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê-út và Israel.
Chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden ở Trung Đông tập trung vào việc hội nhập hơn nữa Israel vào khu vực thông qua các Hiệp định Abraham – một hiệp ước do Mỹ làm trung gian năm 2020 mà qua đó Israel thiết lập quan hệ với UAE và Bahrain, sau đó là Maroc và Sudan.
Ông Sullivan đã gặp Thái tử MBS – nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Xê-út ở Riyadh vào tháng 7 vừa qua để đàm phán nhằm “thúc đẩy tầm nhìn chung trong khu vực”.
“Nếu có một cuộc hội đàm giữa ông Biden và Thái tử MBS, nó có thể phần nhiều giống một số cuộc thảo luận mà ông Sullivan đã có với người Ả Rập Xê-út cũng như người ở UAE và Ấn Độ vào đầu mùa xuân này, nói về hợp tác khu vực, các dự án cơ sở hạ tầng khu vực…”, ông Brian Katulis, Phó Chủ tịch Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, nói với trang The National News.
“Nhưng nếu chúng ta đang nói về thỏa thuận bình thường hóa Israel-Ả Rập Xê-út, có rất nhiều vấn đề phức tạp trên mặt trận song phương giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út, mà tôi không nghĩ là đã chín muồi. Tôi cho rằng nó mới đang ở giai đoạn đầu và vẫn còn rất sớm”, ông Katulis nói.
Theo vị chuyên gia, Washington và Riyadh vẫn đang tiếp tục thảo luận về các hợp đồng vũ khí, hiệp ước quốc phòng và sự hỗ trợ của Mỹ cho chương trình hạt nhân dân sự, bao gồm việc làm giàu uranium ở Ả Rập Xê-út.
Ả Rập Xê-út từ lâu cũng khẳng định rằng cần phải có tiến bộ hướng tới hòa bình với người Palestine trước khi đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel.
Và trên đường trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ dừng chân tại Hà Nội vào ngày 10/9 để ký một thỏa thuận nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Washington và quốc gia Đông Nam Á. Hai bên sẽ nâng cấp mối quan hệ song phương từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện”, cấp độ cao nhất trong hệ thống ngoại giao của Việt Nam.
Minh Đức (Theo The National News, CNN)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/vang-ong-tap-va-ong-putin-tong-thong-my-se-noi-bat-o-thuong-dinh-g20-a13638.html