Cả Nga và Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào pháo binh để tấn công lực lượng của đối phương và điều này đòi hỏi phải có số lượng đạn pháo rất lớn. Khi xung đột kéo dài, hai bên phải tìm cách bù đắp sự thiếu hụt đạn pháo. Ukraine đã sử dụng các khẩu pháo do phương Tây sản xuất để có thể sử dụng loại đạn pháo do các đồng minh và đối tác cung cấp.
Nga có nhiều pháo hơn, nhưng nguồn cung cấp đạn dược hạn chế cũng khiến Moscow phải thay đổi chiến thuật để sử dụng ít đạn hơn.
Đó là dấu hiệu cho thấy Nga không thể sản xuất đủ đạn để tiếp tục tung ra các đợt pháo kích hàng loạt nhưng cũng có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ phải đối mặt với hỏa lực chính xác hơn và hiệu quả hơn của Nga.
Nguồn cung cấp đạn dược hạn chế khiến Nga phải thay đổi chiến thuật để sử dụng ít đạn hơn. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Tấn công chính xác thay vì bắn phá bão hòa
Quân đội Nga vẫn sử dụng nhiều loại pháo, súng cối và tên lửa và đang tìm kiếm đạn dược để duy trì hoạt động của các khí tài này. Tuy nhiên, Moscow dường như có xu hướng “tối đa hóa độ chính xác và giảm số lượng đạn cần thiết để đạt kết quả mong muốn hơn là sử dụng chiến thuật bắn phá bão hòa”, báo cáo mới của Viện RUSI có trụ sở ở Anh cho hay.
Jack Watling và Nick Reynolds, tác giả của báo cáo, nhận định: “Đây là một xu hướng đáng lo ngại vì theo thời gian nó có thể sẽ cải thiện đáng kể lực lượng pháo binh của Nga”.
Sử dụng pháo binh như một thanh trường kiếm thay vì một chiếc búa tạ là một sự thay đổi đối đáng kể với một đội quân có truyền thống dựa vào số lượng lớn đại bác để áp đảo đối phương nhằm bù đắp cho những bất lợi ở khía cạnh khác. Như Stalin từng nói “số lượng cũng có chất lượng riêng của nó”.
Chiến dịch Bagration, cuộc tấn công của Liên Xô vào tháng 6/1944 đánh tan Cụm Tập đoàn quân Trung tâm Đức, diễn ra sau cuộc tấn công kéo dài 2 giờ của 7.000 khẩu pháo, súng cối và tên lửa nhằm “nghiền nát” hệ thống phòng thủ của quân Đức.
Trận Cao nguyên Seelowe, mở đường cho Hồng quân tới Berlin, bắt đầu bằng việc pháo binh Liên Xô bắn 500.000 quả đạn trong 30 phút.
Học thuyết pháo binh của Nga vẫn chủ yếu dựa trên phân tích sâu rộng dữ liệu Thế chiến II để xác định cần bao nhiêu quả đạn để đạt được hiệu quả cụ thể. “Ví dụ, 720 viên đạn được đánh giá là cần thiết để đạt được mục tiêu trấn áp một vị trí chiến đấu của trung đội. Đây là cơ sở để Nga khai hỏa trong giai đoạn mở đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”, báo cáo của RUSI cho hay.
Cho dù có một cơ sở công nghiệp quốc phòng lớn để sản xuất đạn dược, pháo binh Nga ở Ukraine cũng không thể duy trì tốc độ xả đạn lên tới 30.000 quả mỗi ngày. Cường độ như vậy làm các khẩu pháo hao mòn, đòi hỏi sự hỗ trợ rộng rãi và kém khả thi hơn khi Nga mất đi các radar cần thiết để tìm kiếm và trấn áp pháo binh Ukraine.
“Thứ nhất, Nga không đủ số lượng để duy trì tốc độ xả đạn như vậy. Thứ hai, công tác hậu cần phục vụ khối lượng hỏa lực như vậy rất dễ bị phát hiện và tấn công chính xác tầm xa. Thứ ba, việc mất radar phản pháo và hao mòn nòng pháo có nghĩa là phương pháp hỏa lực áp đảo này có hiệu quả giảm dần”, báo cáo của RUSI nhận định.
“Tổ hợp hỏa lực trinh sát”
Nga đang chuyển sang “tổ hợp hỏa lực trinh sát”, một khái niệm sử dụng thông tin cảm biến thời gian thực chủ yếu từ máy bay không người lái (UAV), để nhanh chóng chỉ điểm cho pháo binh bắn chính xác vào các mục tiêu được chỉ định. Chiến lược này đã được quân đội phương Tây sử dụng từ lâu và Ukraine cũng đang sử dụng nhiều hơn khi nước này nhận được các khẩu pháo và đạn pháo thông minh của phương Tây như Excalibur, loại đạn 155 mm dẫn đường bằng GPS do Mỹ sản xuất.
Báo cáo của RUSI cho hay, Nga hiện ưu tiên sản xuất đạn dẫn đường bằng laser Krasnopol 152 mm và loại đạn mới này cũng đang được sử dụng rộng rãi trên khắp mặt trận. Các UAV cỡ nhỏ nhỏ bay liên tục để xác định vị trí và hoạt động di chuyển của quân Ukraine.
Các lực lượng Ukraine đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công bằng UAV cảm tử (kamikaze) của Nga, bao gồm cả UAV Lancet, hay UAV Shahed-136 do Iran sản xuất, cũng như các loại UAV dạng 4 cánh (quadcopter) mang theo chất nổ. Nga cũng liên tục nâng cấp UAV, chẳng hạn như làm giảm độ ồn của Shahed-136 và cải thiện khả năng chống nhiễu của chúng.
Báo cáo của RUSI cho rằng: “Sự tăng trưởng về độ phức tạp, đa dạng và mật độ UAV của Nga là điều đáng lo ngại đối với Ukraine”.
Điều đó không có nghĩa là Nga đang từ bỏ chiến thuật bắn phá bão hòa. Phần lớn pháo binh thời Chiến tranh Lạnh của nước này được thiết kế để bắn theo khu vực thay vì nhằm vào một mục tiêu bằng một quả đạn duy nhất.
Báo cáo của RUSI nhận định, Nga vẫn sẽ “phụ thuộc nhiều” vào các hệ thống pháo phản lực đa nòng, súng cối 120mm và các hệ thống khác có độ chính xác thấp hơn.
Hỏa lực bão hòa có thể có sức tàn phá khá lớn, nhưng không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả tối đa. Tại Cao nguyên Seelowe năm 1945, quân Đức đã rút khỏi chiến hào ở tiền tuyến ngay trước cuộc bắn phá của Liên Xô, khiến phần lớn cuộc tấn công không đạt hiệu quả như dự kiến. Đó là một phương tức tác chiến lãng phí mà Nga không thể thực hiện trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/cach-nga-thay-doi-cach-danh-bang-phao-binh-de-tiet-kiem-dan-duoc-a13656.html