Kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu tích cực

Dù nền kinh tế chịu tác động kép, nhưng theo Thủ tướng, kết quả tháng sau, quý sau đều tốt hơn tháng trước, quý trước, giúp tạo đà cho kết quả những tháng cuối năm.

Sáng 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng nêu rõ, phiên họp hôm nay rất quan trọng. Bởi bên cạnh việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023, Chính phủ còn đồng thời cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, hậu quả của dịch Covid-19 còn kéo dài; cạnh tranh chiến lược gia tăng; xung đột tại Ukraine còn phức tạp.

Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng giảm, lạm phát có chững lại nhưng neo ở mức cao, phục hồi chậm, cả tổng cung và tổng cầu khó khăn. Do vậy, nhiều thị trường lớn của Việt Nam đều gặp khó khăn về tăng trưởng. Các vấn đề liên quan năng lượng khi nguồn cung dầu thô thu hẹp, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực đặt ra.

Tiêu điểm - Kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu tích cực

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 (Ảnh: VGP).

Trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài (nhất là thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đầu tư, tiền tệ, tài chính…) và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đánh giá kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại khó khăn liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém.  Lĩnh vực da giày, dệt may đã có đơn hàng nhiều hơn nhưng tăng trưởng công nghiệp vẫn có khó khăn; tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp...

Mặc dù vậy, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tạo đà đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm. Do đó, Thủ tướng đề nghị thảo luận, phân tích kỹ lưỡng các vấn đề để đưa ra giải pháp thời gian tới, trên tinh thần kết quả năm 2023 phải cao hơn năm 2022 như chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tiêu điểm - Kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng đã có dấu hiệu tích cực (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: VGP).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng cơ bản ổn định. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Thành viên Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 105 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất…; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

Do đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 8, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước. Nghiên cứu thị trường trong nước, thực trạng, cơ cấu sản xuất, sản phẩm hiện nay, từ đó có thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của nước ta, nhất là hàng nông sản.

Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Trong đó, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, tác động mạnh đến xuất khẩu, việc làm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhanh sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bộ trưởng nêu rõ, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, nhịp nhàng, chặt chẽ các chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế thông qua các dự án lớn, có sức lan tỏa cao, tác động mạnh, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/kinh-te-viet-nam-con-nhieu-kho-khan-nhung-da-co-dau-hieu-tich-cuc-a13715.html