ĐỀ XUẤT MỚI VỀ TIỀN LƯƠNG ĐÓNG BHXH: Có hạn chế tình trạng doanh nghiệp lách luật?

Theo các chuyên gia lao động, nên áp dụng quy định chung về mức tiền lương đóng BHXH tối thiểu đối với tất cả đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có Tờ trình Chính phủ dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất căn cứ đóng BHXH bắt buộc trên cơ sở góp ý từ các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, tập đoàn, công ty, hiệp hội doanh nghiệp (DN).

Thấp nhất bằng 50% lương tối thiểu tháng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu (LTT) tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; cao nhất bằng 8 lần mức LTT tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...), đặc biệt cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động (NLĐ) làm việc không trọn thời gian.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước (NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định) cơ bản kế thừa quy định hiện hành. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.

ĐỀ XUẤT MỚI VỀ TIỀN LƯƠNG ĐÓNG BHXH: Có hạn chế tình trạng doanh nghiệp lách luật? - Ảnh 2.

Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (TP Thủ Đức, TP HCM) luôn bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi trích nộp BHXH, BHYT. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đề xuất đóng BHXH bắt buộc của Bộ LĐ-TB-XH dựa trên 2 cơ sở: Cơ sở chính trị (Nghị quyết 28-NQ/TW) sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ.

Cơ sở thực tiễn là tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2022 của NLĐ là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của NLĐ làm công hưởng lương. Luật BHXH hiện hành chỉ quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất nhưng chưa có quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất.

Tăng cường giám sát

Liên quan đến đề xuất này, Báo Người Lao Động ghi nhận ý kiến đóng góp từ đội ngũ cán bộ nhân sự và các luật sư.

Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), với đề xuất nói trên, ban soạn thảo đang cố gắng bổ sung nhiều đối tượng tham gia vào loại hình BHXH bắt buộc. Nhưng một khi đã là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì nên áp dụng quy định chung về mức tiền lương đóng BHXH (không thấp hơn mức LTT vùng). Nếu đóng BHXH bằng một nửa LTT vùng như đề xuất, khi đến tuổi nghỉ hưu, các đối tượng này có thể sẽ nhận mức lương hưu thấp.

Đối với việc sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (khu vực ngoài nhà nước) hướng đến mục tiêu ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ, ông Sơn cho biết hiện nay đa số NLĐ ở khâu sản xuất trực tiếp đã có mức đóng bằng khoảng 70% tổng thu nhập.

"Ở công ty chúng tôi, tổng thu nhập (không tăng ca) của một công nhân sản xuất có lương thấp nhất (bậc 1) khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, trong đó gồm lương cơ bản gần 5,3 triệu đồng và các khoản phụ cấp khác (chuyên cần, nhà trọ, xăng xe, điện thoại...) khoảng 1,5 triệu đồng. Mức đóng BHXH căn cứ trên mức lương cơ bản cũng đạt khoảng 78% tổng thu nhập" - ông Sơn nêu ví dụ.

Do vậy, theo ông Sơn, việc sửa đổi chỉ tác động đến bộ phận NLĐ đang có thu nhập cao hơn nhưng lương bị chia nhỏ thành các khoản thưởng, phụ cấp, trợ cấp để giảm chi phí đóng BHXH. Để luật đi vào thực tiễn, các bộ, ngành liên quan cũng cần tuân thủ quy định chung nhằm đối chiếu, kiểm tra về việc thực hiện chính sách tiền lương tại DN, tránh việc DN có nhiều thang bảng lương để né đóng BHXH. Chẳng hạn liên kết dữ liệu, chia sẻ thông tin giữa ngành thuế và BHXH, LĐ-TB-XH…

Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, về cơ bản, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước kế thừa quy định hiện hành nên cũng sẽ đi kèm với những hạn chế. Khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, căn cứ tiền lương tính đóng BHXH không chỉ có lương mà còn có phụ cấp lương và các khoản bổ sung được xác định cụ thể.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có quy định chi tiết các loại phụ cấp, trợ cấp phải đóng và không đóng BHXH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khoản lương đóng BHXH của NLĐ cải thiện không đáng kể. Nguyên do là DN chia nhỏ lương và quy vào các khoản không phải đóng BHXH, đồng thời lập nhiều bảng lương khác nhau để lách luật và đối phó với cơ quan chức năng. Bảng lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, bởi DN chỉ tính theo LTT cộng thêm tỉ lệ trả cho lao động qua đào tạo (7%) và phụ cấp làm việc nặng nhọc, độc hại (5%).

Do vậy, với đề xuất quy định cụ thể hơn về các khoản căn cứ đóng BHXH mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề vì có chi tiết đến đâu DN cũng có thể tìm cách né tránh. Vậy nên, điều cốt lõi là phải tìm ra giải pháp thúc đẩy để trong DN chỉ tồn tại một bảng lương thực chất và duy nhất.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/de-xuat-moi-ve-tien-luong-dong-bhxh-co-han-che-tinh-trang-doanh-nghiep-lach-luat-a13724.html