Chiến lược xoay trục về phía Đông của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 8 ở Vladivostok.

Thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga đã chào đón hàng nghìn khách tới tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 8 khai mạc hôm 10/9 nhằm thúc đẩy trao đổi kinh tế và văn hóa giữa các khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương.

EEF dự kiến sẽ thu hút khoảng 7.000 khách, bao gồm các đại diện truyền thông từ hơn 50 nước, bao gồm cả các quốc gia “không thân thiện”, ông Yuri Trutnev, Phó Thủ tướng kiêm Đặc phái viên của Tổng thống tại Đặc khu Liên bang Viễn Đông, cho biết qua liên kết video.

Chương trình chính của diễn đàn bắt đầu hôm 11/9, với hơn 90 sự kiện kinh doanh, bao gồm các phiên họp, hội nghị bàn tròn và đối thoại về thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch, giáo dục và văn hóa, hãng thông tấn Nga TASS cho biết.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể của EEF, dự kiến vào ngày 12/9.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Putin cũng sẽ có cuộc hội đàm song phương với vị khách nước ngoài cấp cao là Phó Chủ tịch Lào Pany Yathotou và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing), ông Peskov cho biết.

Thế giới - Chiến lược xoay trục về phía Đông của Nga

Biển hiệu Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 8 được nhìn thấy ở sân bay quốc tế Vladivostok, Nga, ngày 8/9/2023. Ảnh: Sputnik

Diễn đàn thường niên kéo dài 4 ngày được tổ chức bởi Quỹ Roscongress. Với chủ đề “Trên con đường dẫn đến Hợp tác Hòa bình và Thịnh vượng”, EEF trở thành địa điểm đối thoại quan trọng giữa các chính trị gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp và chuyên gia về phát triển vùng Viễn Đông và hợp tác khu vực.

Chiến lược xoay trục về phía Đông

Theo truyền thống, hầu hết các cuộc thảo luận tại EEF đều tập trung vào các vấn đề thương mại, kinh doanh và đầu tư có lợi cho Nga và thế giới. Nhưng với tình hình địa chính trị hiện nay, Nga phần lớn đã chuyển hướng sang khu vực Âu-Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Gần một thập kỷ trước, Tổng thống Putin đã coi việc phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên quốc gia trong toàn bộ thế kỷ 21. Và EEF đã trở thành một trong những công cụ quan trọng và hiệu quả nhất để phát triển khu vực vĩ mô này ở Liên bang Nga.

Trong bài phát biểu qua liên kết video của mình tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS 2023 diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi hồi tháng 8, ông Putin đã mời đại diện của giới doanh nghiệp các quốc gia BRICS tham dự các sự kiện trong khuôn khổ của EEF lần thứ 8.

Thế giới - Chiến lược xoay trục về phía Đông của Nga (Hình 2).

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), ở Vladivostok, Nga, ngày 7/9/2022. Ảnh: BNN

Các quyết định có tầm quan trọng lớn không chỉ đối với vùng Viễn Đông mà còn đối với toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương thường được đưa ra tại Diễn đàn và các hợp đồng đầu tư trị giá hàng triệu USD cũng được ký kết trong khuôn khổ này. Với chiến lược xoay trục về phía Đông của Nga, vai trò của EEF tiếp tục tăng lên.

“Về chương trình của Diễn đàn, chúng tôi đã điều chỉnh các hướng đi truyền thống cho phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay, những thách thức hiện đại và vai trò của Viễn Đông đối với đất nước”, trang Modern Diplomacy dẫn lời ông Trutnev cho biết hồi đầu tháng này.

Trong bối cảnh mô hình kinh tế và chính trị mới đang phát triển trên khắp thế giới, và nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây, ông Trutnev vẫn khẳng định trong một tuyên bố trước thềm Diễn đàn rằng Nga cũng đang phát triển các công cụ mới và định dạng mới để tương tác.

Hợp tác song phương và đa phương ở nhiều cấp độ

“Diễn đàn có truyền thống đưa ra các giải pháp chiến lược cho sự phát triển toàn diện của vùng Viễn Đông. Sự tham gia chung của đại diện chính phủ và doanh nghiệp, cộng đồng chuyên gia và các nhà kinh tế hàng đầu giúp chúng ta có thể tìm ra những cách tiếp cận mới nhằm giải quyết những thách thức hiện tại”, ông Anton Kobykov, cố vấn của Tổng thống Nga và Thư ký Điều hành của Ban tổ chức EEF 2023, cho biết.

Năm nay, ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hợp tác song phương và đa phương ở nhiều cấp độ. Đối thoại kinh doanh được cố định trong chương trình nghị sự. Theo các báo cáo chính thức, Nga có truyền thống sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia quan tâm ở châu Á-Thái Bình Dương và sẵn sàng đưa ra các hình thức hợp tác cùng có lợi, có tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các đối tác, không có ngoại lệ.

EEF còn bao gồm các cuộc đối thoại kinh doanh độc quyền với các đối tác nước ngoài đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ và ASEAN.

Thế giới - Chiến lược xoay trục về phía Đông của Nga (Hình 3).

Khách tham quan phòng triển lãm của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 8 ở Vladivostok, Nga, ngày 10/9/2023. Ảnh: Xinhua

Trong một cuộc phỏng vấn với TASS, ông Chu Lập Quần (Zhou Liqun), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Trung Quốc tại Nga, cho biết hơn 300 doanh nghiệp của nước này đang tham gia EEF.

Theo ông Chu, môi trường đầu tư ở Nga đang dần được cải thiện và sự quan tâm của các công ty Trung Quốc đang tăng lên đáng kể.

“Nga, nước chuyển hướng sang phương Đông, đã đưa ra một số biện pháp, đặc biệt là ở Viễn Đông, khiến khu vực này trở nên rất hấp dẫn đối với các công ty đầu tư Trung Quốc. Số lượng lớn nhất các công ty Trung Quốc trong thời kỳ hậu đại dịch đang tham gia vào Diễn đàn năm nay. Theo như tôi biết, con số này là hơn 300”, ông Chu lưu ý.

Ngoài các đối tác thương mại, các công ty Trung Quốc sẽ tìm kiếm các dự án đầu tư sinh lợi vào nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và hậu cần, ông cho biết thêm.

Minh Đức (Theo TASS, Xinhua, Modern Diplomacy)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/chien-luoc-xoay-truc-ve-phia-dong-cua-nga-a14221.html