Chuyện chưa biết về bồn chứa khí siêu lạnh lớn nhất Việt Nam – kỳ tích của PV GAS

Sáng 10/7, con tàu Maran Gas Achilch chở gần 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng cập cảng Cái Mép, trước đó, PV GAS lắp đặt bồn chứa khí LNG-02 01 lớn nhất Việt Nam.

Đây là chuyến hàng nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Ước mơ từ quá khứ...

Từ nhiều năm trước, PV GAS đã bắt đầu quá trình chuyển đổi xanh sang các loại năng lượng ít phát thải hơn tới môi trường.

Năm 2007, PV GAS đã bàn việc nhập khẩu khí hóa lỏng về cho các nhà máy điện, tuy nhiên đó mới chỉ là nhập khí thấp áp với nhiệt độ chỉ khoảng -6 độ. Để nhập được khí LNG lại cần một công nghệ khác và đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Hơn nữa, LNG là nguồn nhiên liệu mới, nên PV GAS và Tập đoàn Dầu khí đã xây dựng chiến lược nhập khẩu khí LNG. Kế hoạch này đã vấp phải những khó khăn vô cùng lớn, bởi đây là một thị trường mới, Việt Nam khi đó chưa có cơ chế chính sách gì cho loại khí siêu lạnh này. Vì thế khi bắt tay vào làm kho chứa LNG ở Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì gặp vô vàn trở ngại.

Sau rất nhiều khó khăn vất vả, đặc biệt là trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, ngày 29/10/2019, dự án xây dựng bồn chứa khí hóa lỏng LNG chính thức được khởi công.

Toàn công trường hoạt động hết công suất với 3 ca thay phiên nhau. Nhưng những khó khăn chưa dừng lại. Tháng 3/2021, đại dịch COVID-19 ập đến. Các quy định của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về chống dịch cực kỳ nghiêm ngặt, chỉ cần 1 người trong số khoảng 1.500 công nhân đang có mặt trên công trường dương tính với COVID-19 là mọi hoạt động sẽ bị đình lại.

Với phương châm “3 tại chỗ”: Hậu cần tại chỗ, Chỉ huy tại chỗ; Nhân lực tại chỗ...,Ban quản lý dự án cũng như lãnh đạo PV GAS đã xuống ăn ở sinh hoạt cùng công nhân để mọi người yên tâm làm việc. Có những cán bộ làm việc ở công trường chỉ cách nhà 30 km mà 3 tháng không thể về thăm  nhà.

Chuyện chưa biết về bồn chứa khí siêu lạnh lớn nhất Việt Nam – kỳ tích của PV  GAS - Ảnh 1.

Trong những ngày dịch bệnh, việc đưa đón các chuyên gia từ nước ngoài vào dự án cũng là những câu chuyện không đơn giản. Nhưng tất cả những khó khăn trở ngại đó đã được Ban quản lý dự án vượt qua.

Ông Trần Văn Du, Giám đốc Công ty Quản lý dự án khí nhớ lại: "Chưa có một dự án nào mà ông phải chịu áp lực khắt khe như dự án này. Mặc dù PV GAS là đơn vị đã có hơn 30 năm làm trong lĩnh vực cung cấp và sử dụng khí hóa lỏng, nhưng với khí LNG là lĩnh vực hoàn toàn mới" .

Để chuẩn bị cho dự án này, PV GAS đã phải đưa người đi đào tạo từ 10 năm trước ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng trong các khâu thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, các nhà thầu Nhật - Hàn đều có bí quyết của nghề riêng.  Về phía Việt Nam, các Tổng Công ty Xây lắp máy (LILAMA), Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs) đã đưa vào đây gần 1.000 thợ có tay nghề cao nhất, đặc biệt là đội ngũ thợ hàn.

Toàn bộ vật liệu và trang thiết bị phục vụ cho dự án đều là công nghệ tối tân và tiên tiến nhất, chủ yếu được nhập khẩu từ các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực. Bồn chứa LNG đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như API 625, API 620 App Q, ACI 736M-11…PV GAS cũng là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay được Bộ Công Thương cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG” vào ngày 5/5/2023.

PV Gas cho biết cơ sở hạ tầng về LNG sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Nam Bộ trong tương lai. Riêng dự án kho chứa LNG Thị Vải sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ gồm: nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2022.

Chuyện chưa biết về bồn chứa khí siêu lạnh lớn nhất Việt Nam – kỳ tích của PV  GAS - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT PV GAS – ông Nguyễn Thanh Bình phân tích: “ Trước mắt, các hoạt động lớn của PV GAS phải bám sát Quy hoạch điện VIII. Và với tình hình này, để đảm bảo chủ động nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện khí được hình thành trong tương lai, thì phải xây dựng thêm một số kho lớn nữa. Như ở miền Trung sẽ làm kho Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 với công suất 3 triệu tấn/năm; xây dựng ở phía Tây Nam bộ, rồi phía Bắc Trung bộ... Cơ hội hợp tác là rất lớn và hiện nay cũng đã có nhiều đối tác đang muốn cùng PV GAS triển khai xây dựng các kho chứa khí hóa lỏng. PV GAS vẫn đang chọn lựa, bởi muốn hợp tác với các đối tác có cùng triết lý kinh doanh. Nếu cuối năm 2024, nhà máy điện Nhơn Trạch 3 đi vào hoạt động và năm 2025 là Nhơn Trạch 4, với bồn chứa 180.000 tấn này còn là bé. PV GAS cũng đang xin mở rộng, nâng lên kho 3 triệu tấn” .

...thành kỳ tích gây choáng ngợp

Sáng 10/7, con tàu Maran Gas Achilch chở gần 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng cập cảng Cái Mép, trước đó, PV GAS lắp đặt bồn chứa khí LNG-02 01 lớn nhất Việt Nam. Sau khi cập thành công vào cầu cảng của PV GAS, LNG từ tàu Maran Gas Aschilles được bơm vào bồn chứa. Bồn chứa khí siêu lạnh LNG-01 do PV GAS là chủ dự án đang là bồn chứa khí lớn nhất Việt Nam với sức chứa khả dụng là 180.000 tấn khí hóa lỏng ở nhiệt độ âm 162 độ C, sức chứa tối đa trên lý thuyết đạt hơn 200 ngàn mét khối.

Có thể hình dung: Nếu đổ khí hóa lỏng đầy bồn 180.000 tấn thì phải cần tới 9.000 chiếc xe bồn chở khí hóa lỏng với khối lượng mỗi xe 20 tấn. Nếu xếp hàng số xe này trên đường thì đoàn  xe có thể dài đến 180 km.

Số lượng khí hóa lỏng tương đương khoảng 108 triệu m3, đủ cho hai nhà máy điện khí với công suất 1.000 MW chạy trong 1 tháng.

Chuyện chưa biết về bồn chứa khí siêu lạnh lớn nhất Việt Nam – kỳ tích của PV  GAS - Ảnh 3.

Theo những thông số kỹ thuật đã được công bố thì bồn chứa khí LNG có đường kính đáy 82m, cao 50m. Nếu tính cả thiết bị lắp trên nóc bồn thì chiều cao phải gần 55 mét, tương đương với hơn 1 nửa chiều dài của sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế. Để xây dựng bồn, đơn vị thi công phải dùng 3.500 tấn thép loại siêu tốt, 30 ngàn mét khối bê tông.

Bồn có thành dày 2 mét, phía trong cùng được lót bằng các tấm thép pha 9% niken, ở giữa được đổ đá Trân Châu để giữ nhiệt. Sở dĩ loại đá này có cái tên sang trọng như vậy chẳng phải do là đá trang sức mà là một loại đá rất nhẹ có tác dụng cách nhiệt đặc biệt, chủ yếu có ở Trung Đông.

Toàn bộ bồn được đặt trên 1.552 chiếc cọc bê tông có đường kính 60cm và đóng sâu vào lòng đất 50 đến 60 mét. Bồn được thiết kế cơ sở  do Công ty Nhật là Tokyo Gas Engineering. Đây là công ty danh tiếng bậc nhất ở Nhật trong chế tạo bồn chứa khí hóa lỏng với truyền thống lâu đời từ năm 1959. Công ty Whessoe Engineering của Vương quốc Anh làm thiết kế bồn chi tiết, còn thiết kế thi công là do một công ty thuộc Tập đoàn Samsung đảm nhiệm. Kinh phí cho toàn bộ dự án này lên tới 285 triệu USD.

LNG (Liquefied Natural Gas - LNG) là khí thiên nhiên hóa lỏng có thành phần chủ yếu là CH4 - methane, trong suốt, không màu, không mùi, được sản xuất bằng cách làm lạnh sâu ở nhiệt độ khoảng -162°C để chuyển sang thể lỏng. Ở trạng thái lỏng, thể tích của LNG giảm khoảng 600 lần so với trạng thái khí, do đó dễ dàng vận chuyển hơn. LNG khi đốt cháy cũng tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; ngoài ra không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Những yếu tố này biến LNG trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất.


Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/chuyen-chua-biet-ve-bon-chua-khi-sieu-lanh-lon-nhat-viet-nam-ky-tich-cua-pv-gas-a1431.html