Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trung tuần tháng 7 vừa qua. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều vấn đề, nhưng hai vấn đề nổi bật nhất là Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và mối quan hệ hợp tác giữa Ankara và Moscow.
Bối cảnh cuộc gặp Putin - Erdogan tại Sochi
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ gần đây trở nên khá lạnh nhạt. Sau khi chấp thuận việc Phần Lan gia nhập Liên minh NATO tháng 3/2023, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang xem xét khả năng đồng ý Thụy Điển gia nhập Tổ chức này. Ông R. Erdogan cũng tuyên bố về khả năng thảo luận tư cách thành viên NATO của Ukraine.
Đặc biệt, quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ trao trả các sĩ quan của tiểu đoàn Azov cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống V. Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, dù Moscow và Ankara có thỏa thuận về việc giữ các tù binh Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ đến khi xung đột kết thúc.
Để thể hiện sự không hài lòng của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống V. Putin đã quyết định không tới thăm Ankara theo lời mời của Tổng thống R. Erdogan dự kiến vào tháng 8/2023 và sau đó ông R. Erdogan đã phải tới Sochi.
Thêm vào đó là việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, mặc dù mục tiêu chính ban đầu là nhằm chống lại Ukraine và các nước châu Âu, nhưng đây cũng là một thông điệp gửi đến Ankara, nước đóng vai trò trung gian có lợi ích trong việc thực hiện thỏa thuận này và trước đó đã nhiều lần thuyết phục Moscow quay trở lại.
Tàu chở hàng Razoni treo cờ Sierra Leone, chở ngũ cốc của Ukraine, ở Biển Đen ngoài khơi Kilyos, gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/8/2022. Ảnh: Reuters
Việc Nga tấn công các nhà máy Ukraine chuyên sản xuất và xuất khẩu các bộ phận sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và việc khám xét các con tàu thuộc một công ty Thổ Nhĩ Kỳ đi tới các cảng Ukraine gần đây cũng là một thông điệp khác của Moscow gửi cho Ankara.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn, đặc biệt sau cuộc động đất kinh hoàng tháng 2/2023. Theo thống kê của Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát hàng năm lên tới 58,95%. Tập đoàn Goldman Sachs Inc. cho biết kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước khả năng suy thoái vào cuối năm 2023. Đồng Lira vẫn tiếp tục mất giá.
Tháng 5/2023, sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 3 liên tiếp, ông Erdogan đang cố gắng thực hiện các cam kết của mình đối với cử tri và muốn có một tư thế vững vàng khi đến dự Thượng đỉnh G-20 tại Ấn Độ và sau đó đến New York dự ĐHĐ Liên hợp quốc vào tháng 9 này. Trong bối cảnh như vậy, các nhà quan sát cho rằng việc gặp Tổng thống Nga V. Putin và việc quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là của Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2023. Ảnh: CFP
Kết quả cuộc gặp Sochi
Mặc dù không có văn bản nào được ký kết, nhưng bản thân cuộc gặp gỡ đã là một thành công. Cả Tổng thống V. Putin và R. Erdogan đều đánh giá tích cực kết quả cuộc gặp. Tuyên bố của hai Tổng thống sau cuộc gặp, đã thể hiện sự nồng ấm đã trở lại trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống V. Putin tập trung vào mối quan hệ song phương và nêu rõ quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Ông cho biết, thành tựu rõ ràng là sự gia tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ, vượt quá 10 tỷ m3 trong 8 tháng. Dự án trung tâm khí đốt chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu khởi động cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thứ ba.
Ảnh minh họa
Trong thanh toán các hợp đồng thương mại, tỷ lệ sử dụng đồng tiền địa phương gần đây đã tăng mạnh so với đồng USD và Euro. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 69,8 tỷ USD, trong đó Nga xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 60,5 tỷ USD (tăng 128%), trong khi đó xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đạt 9,3 tỷ USD (tăng 43%).
Nhiều hàng hóa nằm trong danh sách trừng phạt Nga đang được vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2022, khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh, lên tới 5,1 triệu người.
Một kết quả tích cực khác là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở Sinop theo các điều kiện tương tự như dự án Akkuyu, tức là bằng các khoản tiền vay của Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga, vào ngày 5/8/2022. Ảnh: AFP
Mục tiêu nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen theo đề nghị của Erdogan đã không đạt được. Tổng thống V. Putin nhắc lại lập trường cứng rắn của mình rằng, Moscow sẵn sàng xem xét khả năng khôi phục thỏa thuận này ngay sau khi các điều khoản liên quan đến Nga được thực hiện, trong đó có yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, kết nối ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Ông Putin cũng khẳng định lại lời hứa cung cấp ngũ cốc miễn phí cho 6 nước châu Phi và sẵn sàng cung cấp 1 triệu tấn ngũ cốc giá ưu đãi cho Thổ Nhĩ Kỳ với sự giúp đỡ tài chính của Qatar, sau đó chuyển cho những nước nghèo có nhu cầu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đây không phải là một giải pháp thay thế cho thỏa thuận ngũ cốc. 1 triệu tấn so với khả năng xuất khẩu của Nga vào khoảng 60 triệu tấn là khối lượng không đáng kể để có thể nói về giải pháp thay thế.
Ảnh: Getty
Mặc dù cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Erdogan ở Sochi không đem lại kết quả rõ ràng đối với các vấn đề được nêu ra trong chương trình nghị sự, đặc biệt là việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng nó đã góp phần đáng kể vào việc làm ấm lên quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra hướng đi tích cực trong quan hệ song phương và khả năng đạt được thỏa thuận về việc xuất khẩu ngũ cốc trở lại trong thời gian tới.
Điều hết sức quan trọng là trong tình hình các nước phương Tây đang tìm mọi cách cô lập Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tong-thong-nga-tho-nhi-ky-gap-mat-o-sochi-moi-quan-he-am-lai-sau-thoi-gian-lanh-nhat-a14464.html