Cách đây một thời gian, Niutron thông báo không thể giao đúng tiến độ mẫu xe điện đầu tiên và phải hoàn lại toàn bộ tiền cho khách hàng. Điều này biến đây trở thành hãng xe có ‘tuổi đời’ ngắn nhất trong lịch sử, theo Toutiao. Được biết, toàn bộ quá trình của Niutron kể từ khi chuẩn bị tung ra mẫu xe mới vào đầu tháng 10 đến khi thông báo đóng cửa kéo dài vẻn vẹn 60 ngày.
Lý Nhất Nam, người sáng lập đứng đằng sau, là nhân tố thu hút rất nhiều sự chú ý báo giới vào thời điểm đó. 15 tuổi ông đã được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong; 23 tuổi gia nhập Huawei và trở thành kỹ sư trưởng sau 2 năm; để rồi năm 27 tuổi thăng chức làm phó chủ tịch kiêm ‘người kế vị của Nhậm Chính Phi’ - Tổng giám đốc điều hành của Huawei.
Niutron NV là mẫu xe đầu tiên Lý Nhất Nam tung ra thị trường. Theo kế hoạch, hãng sẽ giao hàng trong tháng 12/2022 song không thể. Hơn 24.000 khách hàng tham gia đặt cọc sẽ được hoàn trả bằng một mẫu xe cỡ nhỏ và phiếu mua hàng cà phê Starbucks trị giá 200 USD.
Lúc này, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi, rằng Lý Nhất Nam đã dấn thân vào lĩnh vực xe điện như thế nào để rồi dìm mình xuống “vực thẳm” như vậy?
Lý Nhất Nam sinh năm 1970 ở Hồ Nam, Trung Quốc. Thủa thiếu thời, ông được xem là thiên tài, đi đến đâu cũng trở thành tâm điểm. Trước 30 tuổi, Lý Nhất Nam còn là nhân vật đáng tự hào của Huawei, với quyền hành chỉ sau CEO Nhậm Chính Phi và Chủ tịch Tôn Á Phương.
Sau đó ít lâu, ông quyết định từ chức và thành lập Gangwan Network. Cũng có khoảng thời gian Lý Nhất Nam làm việc tại Baidu, China Mobile, GSR Venture Capital và nhận được cơn mưa lời khen từ Chủ tịch kiêm CEO Baidu Lý Ngạn Hoành.
Năm 2015, Lý Nhất Nam thành lập Niu Electric - công ty được niêm yết thành công trên NASDAQ chỉ sau 3 năm. “Tôi sẵn sàng cống hiến hết mình, sử dụng những vật liệu tốt nhất và công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra chiếc ô tô điện tốt nhất ở Trung Quốc”, Lý Nhất Nam nói.
‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng hãng xe của Lý Nhất Nam không hề tỏ ra thua kém. Ông quan niệm rằng thứ tự xuất hiện không phải là điều quan trọng nhất mà cái chính là bản thân không bao giờ bỏ lỡ một ngày nào trong việc chế tạo ô tô.
Chiếc Niutron đầu tiên được định giá 278.800 đến 318.800 NDT (tương đương 945 triệu - 1.8 tỷ đồng). Ông chủ Lý không ngại khoe khoang về ‘đứa con tinh thần’ của mình, thậm chí so sánh chúng với các mẫu xe sang như Range Rover, BBS.
Tuy nhiên, một điều khó hiểu đã xảy ra. Toàn bộ kế hoạch đã được dừng lại vào phút cuối.
Vào năm 2013, Lý Nhất Nam có cơ hội tiếp cận các dự án năng lượng mới tại Công ty đầu tư mạo hiểm Kim Sa Giang. Tuy nhiên, ông đã phạm sai lầm và nhận án tù hai năm rưỡi vì tội giao dịch nội gián.
Sự việc bắt nguồn từ tháng 4/2014, trong khi công ty Vũ Hán Hoa Trung CNC đang trong thời kỳ tái tổ chức lại thì tài khoản của em gái, em rể và mẹ ruột của Lý Nhất Nam đã mua về số lượng lớn cổ phiếu. Trước đó, Lý Nhất Nam đã nhiều lần liên hệ và tiếp xúc với chủ tịch của Vũ Hán Hoa Trung CNC.
Có thể nói, Lý Nhất Nam đã vi phạm pháp luật. Ông lợi dụng mối quan hệ để tìm hiểu trước những vấn đề nội bộ giao dịch chứng khoán, trục lợi thông qua các tài khoản của người thân nên cuối cùng bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam.
Khi quay trở lại và quyết định gia nhập cuộc đua xe năng lượng mới, Lý Nhất Nam vẫn rất tự tin dù thị trường lúc bấy giờ đầy rẫy những tiền bối đi trước. Ông lấy Honda làm ví dụ và nói rằng hãng này gia nhập muộn hơn Toyota và Nissan những 30 năm nhưng vẫn thành công nhờ sự nỗ lực.
Rõ ràng, Lý Nhất Nam đã vội vàng đặt ra KPI cho chính mình, song kế hoạch tiếp thị sản phẩm lại không nắm rõ. Ông tự tin mình đủ vốn đầu tư song theo các chuyên gia,
vấn đề vốn vẫn luôn là rào cản Niutron không thể vượt qua để cạnh tranh với những cái tên tuổi lớn khác. Kể từ khi thành lập, Niutron mới chỉ nhận được số tiền tài trợ trị giá 500 triệu USD. Ngoài ra, bản thân công ty mẹ của Niutron là Martian Stone Technology cũng không có trình độ sản xuất.
Sau khi cân nhắc, Lý Nhất Nam lại chọn hợp tác với Dorcen - một thương hiệu trước đây thuộc sở hữu của hãng ô tô Zotye song thời điểm đó lại đang nợ nần chồng chất. Nhà máy bị đình chỉ hoạt động hơn 24 tháng vì không được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Thiếu tiền đã đành, đến cả quyền sở hữu của Nitron cũng không nằm trong tay Lý Nhất Nam. Tiềm lực về vốn và trình độ kém đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của hãng, để rồi cuối cùng buộc phải dừng lại.
Từ góc độ định vị thương hiệu, thị trường SUV là sân chơi của các tập đoàn lớn với mức độ cạnh tranh cao, chẳng hạn như Tesla hay BYD. Vậy nên, quyết định lựa chọn hợp tác Dorcen của Niutron chắc chắn đã đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thua cuộc? Liệu tôi có tự tử không? Không đâu, tôi sẽ giải quyết các khoản nợ và tiền lương cho nhân viên. Không thể tiếp tục chính là không thể tiếp tục. Nhất định sẽ buồn, chỉ có thể về nhà và khóc. Đây không phải lần đầu tiên tôi trải qua chuyện công ty phá sản”, Lý Nhất Nam nói.
Sau khi mọi chuyện kết thúc, công ty thông báo hoàn trả một mẫu xe cỡ nhỏ và phiếu mua hàng Starbucks trị giá 200 USD cho 24.376 khách hàng đã đặt cọc mẫu Niutron trước đó. Cách xử lý khủng hoảng khiến ai nấy đều hài lòng vì Lý Nhất Nam không ôm tiền bỏ chạy như nhiều trường hợp phá sản trước đó.
Thực tế, xe điện đang dần trở nên phổ biến nhưng không có nghĩa là ai cũng có phần. Việc bạn có thể giành được chỗ đứng vững chắc trong thị trường sản xuất ô tô hay không phụ thuộc vào rất nhiều người. Ngay cả thiên tài Lý Nhất Nam cũng phải cần đến “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để có thể thành công.
Lý Nhất Nam chọn nói lời “chia tay” một cách đàng hoàng và điều này giúp giảm bớt những đánh giá tiêu cực của dư luận. Phải nói rằng cách giải quyết thông minh này giúp ông có thể xây dựng một nền tảng khác tốt hơn nếu sau này còn cơ hội.
Lời xin lỗi đã được gửi tới hơn 24.000 người mua. Phía công ty hứa hoàn lại đầy đủ trong vòng 48 giờ nhưng không đưa ra lời giải thích hay tuyên bố chính xác nguyên nhân. Không ai ngờ được rằng một hãng xe ban đầu được đón nhận nồng nhiệt lại nhận về cái kết đắng đến vậy.
Công ty, trong bức thư ngỏ gửi tới khách hàng của mình, đã nêu hãng có “lý do riêng” khiến việc sản xuất xe bị đình chỉ. Neutron không có cơ sở sản xuất riêng mà giao toàn bộ quá trình sản xuất cho đối tác Dorcen Automobile. Có vẻ như vấn đề nằm ở phía nhà máy sản xuất.
Trung Quốc có những quy định rất nghiêm ngặt đối với các công ty khởi nghiệp năng lượng mới. Bất kỳ công ty nào muốn sản xuất xe điện đều phải được phê duyệt trước, sau đó có thời hạn 24 tháng để bắt đầu sản xuất, nếu không giấy phép sẽ bị thu hồi. Dịch COVID-19 được cho là một trong những nguyên nhân khiến Niutron phải bỏ phí quá nhiều thời gian để rồi thất bại trong chính cuộc đua mình bắt đầu.
Theo: Toutiao, ArenaEV