Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong tháng 8 đạt 20,14 nghìn tấn, trị giá 75,34 triệu USD, tăng 32,0% về lượng và 32,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng đầu năm lượng tiêu xuất khẩu của cả nước đạt 188,06 nghìn tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch đạt 615,5 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2023 đạt 3272,7 USD/tấn, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2022 (4441 USD/tấn).
Trong tháng 8/2023, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang một số thị trường tăng mạnh 3 chữ số: Ấn Độ đạt 1.987 tấn, Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đạt 1.234 tấn, Ai Cập đạt 662 tấn, Pakistan đạt 639 tấn, lần lượt tăng 204,8%, 123,6%, 748,7% và 868,2% so với tháng 7; so với cùng kỳ năm trước lần lượt tăng 169,6%, 66,1%, 200,9% và 618,0%.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), 8 tháng đầu năm, khối các doanh nghiệp trong Hiệp hội xuất khẩu so với cùng kỳ giảm 15,3% và chiếm 62,4% thị phần, đạt 117.153 tấn. Đứng đầu là các doanh nghiệp Nedspice Việt Nam: 12.228 tấn, giảm 2,2%; Trân Châu: 12.220 tấn, giảm 38,3%; Olam: 12.076 tấn, giảm 37,6%; Phúc Sinh: 10.218 tấn, giảm 4,4%… Khối các doanh nghiệp ngoài VPSA xuất khẩu chiếm 37,6% thị phần và tăng 185,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù Ấn Độ là quê hương của hạt tiêu nhưng Việt Nam mới là quốc gia sản xuất xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hạt tiêu gồm Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai. Về thị trường, hạt tiêu Việt Nam hiện có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia... nhờ lợi thế từ EVFTA. Cụ thể, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.