Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng rất tích cực

Trung Quốc đang là thị trường đứng đầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất các loại rau quả và luôn có sự tăng trưởng rất tích cực với hai con số từ đầu năm.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng rất tích cực - Ảnh 1.

Các xe container chở hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Trao đổi với phóng viên nhân dịp tham gia Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng gồm: dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng 2023, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt 33,21 tỷ USD. Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 7,28 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng cao nhất với 22% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Trung Quốc đứng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam. Nhóm mặt hàng này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trái cây, mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu rau quả là sầu riêng (35%), thanh long (13%), chuối (6%), xoài (6%), mít (5%)… Đây cũng là những mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu sầu riêng của nước này trong nửa đầu năm nay đạt 787.000 tấn, trị giá 3,83 tỷ USD, tăng lần lượt 57,1% và 64,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường cung cấp chính là từ Thái Lan (600.000 tấn), Việt Nam (186.000 tấn) và Philippines (484 tấn).

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết, mặc dù Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu trái cây sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng, mít… đều là những mặt hàng trái cây nhiệt đới Trung Quốc chưa trồng được hoặc trồng được nhưng chất lượng không cao nên tiềm năng và cơ hội để trái cây Việt khai thác rất lớn và tăng giá trị xuất khẩu trong những năm tiếp theo.

“Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định.

Điển hình như sầu riêng chính vụ ở vùng Tây Nguyên với sản lượng và diện tích rất lớn, đặc biệt là trái vụ so với các nước khác đã bắt đầu vào vụ sẽ góp phần đưa giá trị xuất khẩu rau quả còn tiếp tục tăng cao. Thời điểm này hầu như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng và đây là lợi thế về xuất khẩu. Sản lượng và giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng rất nhiều.

Để sẵn sàng nắm cơ hội này, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng với số lượng lớn mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng, uy tín, Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), để khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần xây dựng thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, để đảm bảo về chất lượng hàng hoá cũng như tránh những rủi ro không đáng có. Địa phương, doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nguồn cung trái cây chính từ nay đến cuối năm rất dồi dào như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, mít….  Nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Hiện có 12 mặt hàng rau quả được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi và khoai lang.  Trung Quốc đã đồng ý xuất khẩu thí điểm mặt hàng chanh leo, ớt.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-tang-truong-rat-tich-cuc-a15729.html