Đại chiến mỹ phẩm Trung Quốc: Khi các thương hiệu Châu Âu thèm khát thị trường 1,4 tỷ dân

Trong khi cuộc chiến công nghệ, xe điện hay bán dẫn đang nóng bỏng thì ngành mỹ phẩm cũng đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Dẫu vậy, lần này Trung Quốc lại là người nắm kèo trên.

Đại chiến mỹ phẩm Trung Quốc: Khi các thương hiệu Châu Âu thèm khát thị trường 1,4 tỷ dân - Ảnh 1.

Tờ New York Times (NYT) cho hay bất chấp những thách thức trong nền kinh tế, một mặt hàng ở Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng cực nóng, đó là ngành mỹ phẩm.

Sau quãng thời gian dài đến 3 năm theo đuổi chiến dịch “Zero Covid” giãn cách chặt chẽ, người dân Trung Quốc giờ đây bắt đầu “mua sắm trả thù” trở lại với hàng mỹ phẩm, nước hóa cùng những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác.

Thế nhưng điều trớ trêu là hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế, từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Mỹ lại bỏ lỡ cuộc chơi này dù đã tốn vô số tiền của, nguồn lực cũng như thời gian đầu tư cho thị trường Trung Quốc.

Đại chiến mỹ phẩm Trung Quốc: Khi các thương hiệu Châu Âu thèm khát thị trường 1,4 tỷ dân - Ảnh 2.

Nguyên nhân chính là trong khi doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa Trung Quốc bùng nổ cùng nhu cầu thị trường thì mảng nhập khẩu sản phẩm chăm sóc sắc đẹp lại gặp cản trở từ các rào cản thương mại, từ những hàng rào thuế quan cho đến các lệnh kiểm dịch nghiêm ngặt từ thời đại dịch vẫn chưa được dỡ bỏ.

Vậy là trong khi Mỹ-Trung vẫn còn đang tranh cãi về công nghệ hay mảng bán dẫn thì các tập đoàn mỹ phẩm Phương Tây đã cảm nhận được “nỗi đau” vì thiếu thị trường 1,4 tỷ dân.

“Con số này không hề nhỏ đâu. Với rất nhiều tập đoàn Pháp, thị trường Trung Quốc chiếm đến 30-35% tổng doanh thu”, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo.

Xin được nhắc rằng Trung Quốc đang là thị trường mỹ phẩm lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, nhưng các thương hiệu quốc tế lại đang khá chật vật để có thể sống sót nơi đây.

Dự báo của hãng tư vấn McKinsey cho hay Trung Quốc sẽ chiếm 1/6 doanh số bán lẻ mỹ phẩm toàn cầu, cho thấy thị trường này là miếng bánh khó lòng bỏ qua của các doanh nghiệp quốc tế.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8/2023, Bộ trưởng thương mại Mỹ Gina M.Raimondo đã bày tỏ mong muốn mở rộng mảng xuất khẩu sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của nước này đến thị trường 1,4 tỷ dân, đồng thời cho rằng mảng này chắc chắn chẳng liên quan gì đến chuyện an ninh quốc gia.

Hàng rào thương mại

Tờ NYT cho hay theo quy định ban hành từ năm 2021, Trung Quốc yêu cầu tất cả các hãng mỹ phẩm phải nộp bảng thành phần chi tiết sản phẩm bao gồm cả tỷ lệ, số lượng từng nguyên liệu.

Thậm chí đến nguồn cung từng nguyên liệu cũng như nơi tổng hợp chúng cũng phải nộp lên cơ sở dữ liệu của Trung Quốc.

Tuy nhiên các tập đoàn quốc tế lo ngại việc tuân theo những quy định này sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa giá rẻ của Trung Quốc sao chép được công thức sản phẩm.

Đại chiến mỹ phẩm Trung Quốc: Khi các thương hiệu Châu Âu thèm khát thị trường 1,4 tỷ dân - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh còn yêu cầu rất nhiều sản phẩm phổ biến như thuốc nhuộm tóc hay kem chống nắng phải được thử nghiệm trên động vật rồi mới được bán tại thị trường tỷ dân này, điều mà rất nhiều tập đoàn quốc tế đã dừng thực hiện do áp lực từ các tổ chức bảo vệ động vật.

“Câu chuyện ở đây không chỉ là những quy định khắt khe mà còn là cả mốc thời gian để hoàn thành chúng bị giới hạn quá ngắn đến mức không thực tế”, Giám đốc Gerald Renner của Liên đoàn mỹ phẩm Châu Âu (Cosmetics Europe) than thở.

Những tập đoàn lớn như LVMH hay L’Oreal có đủ nguồn lực để chạy đua bắt kịp các tiêu chuẩn của Trung Quốc nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ đã buộc phải dừng bán ở thị trường này trước khi các quy định có thể thay đổi.

Hệ quả tất yếu là hàng loạt chính phủ, từ Liên minh Châu Âu (EU) cho đến Mỹ, Nhật Bản đã kêu gọi Trung Quốc thay đổi các tiêu chuẩn cho phù hợp với thị trường quốc tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt vấn đề này với Trung Quốc trong chuyến thăm nước này vào tháng 4/2023.

Thế rồi Bộ trưởng Le Maire tiếp tục nhắc lại đề nghị vào tháng 7, thậm chí đưa vấn đề này trở thành mối quan tâm trong điểm trong cuộc thảo luận cùng Trung Quốc.

Bộ trưởng Le Maire cho hay ông cùng Phó thủ tướng Trung Quốc He Lifeng đã nhất trí thành lập một nhóm chuyên gia trong chuyến thăm Paris trước cuối năm nay để xây dựng các tiêu chuẩn chung cho ngành mỹ phẩm.

Tuy vậy hiện vẫn chưa có gì đảm bảo vấn đề sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn.

Dùng nhiều động vật nhất thế giới

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã quy định tiêu chuẩn phải thử nghiệm trên động vật cho các dòng mỹ phẩm trước khi được bày bán, bất kể thương hiệu đó có nổi tiếng hay đã được chứng minh an toàn ở nơi khác.

Bởi vậy các thương hiệu mỹ phẩm muốn kinh doanh ở đây buộc phải thầm lặng thí nghiệm trên động vật hoặc đứng ngoài cuộc chơi.

Đại chiến mỹ phẩm Trung Quốc: Khi các thương hiệu Châu Âu thèm khát thị trường 1,4 tỷ dân - Ảnh 4.

Trung Quốc chỉ dỡ bỏ quy định này cách đây nhiều năm cho nhiều dòng sản phẩm, nhưng với mỹ phẩm thì chỉ được dỡ bỏ vào năm 2021 và chỉ cho các sản phẩm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dẫu vậy, chính quyền Bắc Kinh vẫn yêu cầu việc thử nghiệm trên động vật với một số dòng mỹ phẩm phổ biến như kem chống nắng, lăn khử mùi, thuốc nhuộm tóc hay kem làm trắng da.

Phó chủ tịch Jason Baker của Tổ chức bảo vệ động vật Châu Á (PETA ASIA) cho hay những cuộc thử nghiệm này sẽ bao gồm việc ép buộc các con vật phải nuốt, hít hay bôi các sản phẩm lên da hoặc mắt của chúng.

Những loài như thỏ, chuột thường là các đối tượng hay dùng cho những thí nghiệm này.

Đồng quan điểm, giám đốc Michelle Thew của tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật quốc tế (CFI) cho biết Trung Quốc đang là nước sử dụng động vật cho thí nghiệm cũng như nghiên cứu nhiều nhất thế giới, với khoảng 20 triệu con được dùng mỗi năm, cao hơn cả Mỹ và Nhật Bản.

Với những quy định và rào cản như vậy, đương nhiên thị phần được tốn công nhiều năm xây dựng của các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế dần rơi vào tay nội địa Trung Quốc.

Mất thị phần

Theo NYT, doanh số bán lẻ mỹ phẩm cùng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại Trung Quốc đã tăng 8,7% nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này lại giảm 13,7%.

Sự trái ngược này cho thấy mỹ phẩm ngoại đang dần mất thị phần vào tay doanh nghiệp nội địa.

Ví dụ những hãng mỹ phẩm địa phương như Proya Cosmetics ở HangZhou đã công bố doanh số tăng trưởng 35% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Đại chiến mỹ phẩm Trung Quốc: Khi các thương hiệu Châu Âu thèm khát thị trường 1,4 tỷ dân - Ảnh 5.

“Sự chấp nhận của người tiêu dùng Trung Quốc vào thương hiệu mỹ phẩm nội địa ngày càng tăng cao”, chuyên gia phân tích Chris Gao của hãng CLSA đánh giá.

Số liệu hải quan cho thấy tổng kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm, đồ vệ sinh cá nhân và nước hoa từ Pháp từ mức 5,4 tỷ USD nửa đầu năm 2022 đã giảm 6,2% trong nửa đầu năm nay.

Nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc và Mỹ cũng giảm tương ứng 22,2% và 19,8%.

Trong khi đó, báo cáo của Euromonitor International cho thấy các thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, chiếm đến 27% doanh số mỹ phẩm của bảng xếp hạng 10 thương hiệu nổi tiếng nhất.

*Nguồn: NYT

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dai-chien-my-pham-trung-quoc-khi-cac-thuong-hieu-chau-au-them-khat-thi-truong-14-ty-dan-a15845.html