Vào ngày 15/9 vừa qua đã diễn ra buổi đấu giá biển số xe ô tô lần thứ 2. Buổi đấu này đã đấu giá thành công 11 biển số "siêu đẹp" của 10 tỉnh, thành phố.
Theo đó, giá trúng đấu giá cao nhất là 32,34 tỉ đồng cho biển số 51K-888.88 (TP HCM); giá trúng đấu giá thấp nhất là 650 triệu đồng cho biển 15K-188.88 (TP Hải Phòng). Tổng số tiền trúng đấu giá là 82,325 tỉ đồng.
Tuy nhiên sau buổi đấu giá nhiều người không khỏi thắc mắc liệu biển số trúng đấu giá có được bán/sang nhượng lại hay không và trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền sẽ bị xử lý như thế nào?
Biển số xe trúng đấu giá được bán không?
Căn cứ Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô do Quốc hội ban hành.
Tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 73/2022/QH15 có quy định về nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô; người nhận chuyển nhượng, trao đổi, được tặng cho, thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá
...
2. Nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô bao gồm:
...
c) Không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá.
Như vậy, theo quy định thì người trúng đấu giá biển số xe ô tô không được phép bán biển số xe trúng đấu giá. Tuy nhiên, nếu bán xe ô tô có gắn biển số xe trúng đấu giá thì được phép.
Do vậy, điều kiện để bán biển số xe trúng đấu giá là người trúng đấu giá phải bán xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá đó. Khi đó, biển số xe trúng đấu giá sẽ được bán kèm theo ô tô và chỉ được phép chuyển nhượng 1 lần. Bên đã nhận chuyển nhượng xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì sẽ không được tiếp tục bán xe kèm theo biển số trúng đấu giá đó nữa.
Không nộp đủ tiền trúng đấu giá xử lý như thế nào?
Buổi đấu giá biển số vào ngày 15-9 đã đấu giá thành công 11 biển số "siêu đẹp" của 10 tỉnh, thành phố.
Theo đó, giá trúng đấu giá cao nhất là 32,34 tỉ đồng cho biển số 51K-888.88 (TP HCM); giá trúng đấu giá thấp nhất là 650 triệu đồng cho biển 15K-188.88 (TP Hải Phòng). Tổng số tiền trúng đấu giá là 82,325 tỉ đồng.
Ngay sau khi cuộc đấu giá, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì biển số đó sẽ xử lý như thế nào?
Căn cứ Nghị định 39/2023/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 39) về thí điểm đấu giá biển số ô tô và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã ban hành quy chế phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô.
Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền đặt trước (cọc) là 40 triệu đồng mỗi biển số.
Trong trường hợp quá 15 ngày mà người trúng đấu giá không hoặc chưa nộp tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, thì thông báo kết quả trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sẽ bị hủy theo quy định tại Điều 16 Nghị định 39. Bên cạnh đó, biển số xe ô tô đã trúng đấu giá sẽ được đưa ra đấu giá lại.
Theo quy chế đấu giá, số tiền đặt cọc 40 triệu mỗi biển số mà người trúng đấu giá đã nộp sẽ không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không hoàn tất thủ tục tài chính như đã nêu ở trên.
Cũng theo quy chế đấu giá, người trúng đấu giá biển số và đã nộp số tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình.
Sau thời hạn 12 tháng, người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển đã trúng đấu giá, thì biển số này sẽ được chuyển vào hệ thống quản lý, đăng ký xe và người trúng đấu giá sẽ không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp.