Việt Nam nhập khẩu muối phục vụ công nghiệp và y tế
Làm sao để diêm dân sống được với nghề muối? Đây là câu hỏi quen thuộc rất nhiều năm nay, mỗi khi nhắc đến nghề làm muối và những người làm muối ở nước ta. Vậy nhưng trong khi hàng chục nghìn diêm dân phải chịu cảnh giá muối bấp bênh, nhiều lúc thấp dưới giá thành, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD tiền muối.
Lý giải về hiện trạng này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhu cầu tiêu thụ muối nước ta vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn mỗi năm nhưng sức sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1 triệu tấn, chủ yếu là muối ăn.
Còn muối cho công nghiệp và y tế vẫn phải nhập khẩu, với khối lượng từ 400.000 - 600.000 tấn mỗi năm. Do muối sản xuất trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, cũng như sức cạnh tranh về giá.
Công nghệ giúp nâng cao giá trị muối
Thiếu khoảng 1/3 nhu cầu của thị trường, để tăng số lượng Đề án Phát triển ngành muối của Chính phủ đặt ra kế hoạch mở rộng diện tích muối từ 12.500 hiện nay lên 14.500 ha vào năm 2030. Muối công nghiệp chiếm 1/3 số này, nhưng đi kèm với đó là đòi hỏi những cải tổ cả về mặt chất lượng.
Tại tỉnh Ninh Thuận - nơi đóng góp 40% sản lượng muối mỗi năm cho cả nước - bắt đầu đã có những diêm dân chuyển hướng sang làm muối sạch. Sản xuất muối thực phẩm hay muối công nghiệp thì cũng phải áp dụng công nghệ theo hướng tăng sản lượng, nâng chất lượng đồng nghĩa tăng được giá trị cho hạt muối.
5 ha ruộng muối của gia đình bà Trần Thị Tân (cơ sở muối sạch Tân Tiến, xã Tri Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) đều được trải bạt. Đây cũng là những ruộng muối đầu tiên của diêm dân Ninh Thuận chuyển từ làm muối nền đất sang trải bạt HDPE trên ô kết tinh muối. Thời điểm đó là vào năm 2010 và cũng từ đó, chất lượng muối mà bà Tân làm ra trở nên khác biệt.
Ngoài cung ứng muối hạt thì nhà xưởng còn tạo ra nhiều dòng sản phẩm từ muối. Giá bán 1kg muối sạch khoảng 7.000 đồng.
Còn với 2.200 ha muối công nghiệp đã phân bổ trên 3 cánh đồng Cà Ná, Quán Thẻ, Tri Hải ở tỉnh Ninh Thuận, có rất nhiều khác biệt trên những cánh đồng này, từng ô kết tinh muối được làm vệ sinh trước khi bơm nước vào ruộng muối. Muối thu hoạch lên lại được rửa sạch trước khi chuyển về nhà máy.
Dự án sản xuất muối công nghiệp và xuất khẩu ở Ninh Thuận dự kiến sản xuất hàng năm 350.000 tấn muối, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu.
Cả sản lượng và chất lượng cùng được nâng lên thì khi đó mới nâng được giá trị của muối và khai thác được thực sự những lợi thế trong sản xuất muối ở nước ta mà vốn dĩ không phải quốc gia nào cũng có được.
Liên kết sản xuất muối sạch
Không chỉ cần áp dụng công nghệ vào sản xuất, việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và diêm dân cũng giúp cho việc, sản xuất và tiêu thụ muối hiệu quả hơn.
Hiện cả nước có khoảng 21.000 hộ dân làm muối và khoảng 33 hợp tác xã muối. Nhưng hiện nay đa phần các hợp tác xã này chưa làm được khâu thu gom cũng như tìm thị trường cho các hộ làm muối, mà chủ yếu diêm dân sản xuất nhỏ lẻ. Tổ chức sản xuất của ngành muối sau rất nhiều năm đang bộc lộ nhiều điểm yếu kém.
Để đạt được mục tiêu năm 2025 - 2030, ngành muối Việt Nam hiện đại ngang tầm các nước khu vực, đáp ứng nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu và tiến đến xuất khẩu muối thì cần liên kết chặt chẽ hơn.
Những chiếc thùng lọc nước biển đã xuất hiện trên cánh đồng muối Bạch Long (Nam Định) từ năm ngoái. Nước biển thông qua hệ thống lọc sẽ được loại bỏ các tạp chất gây hại, trước khi được sử dụng để làm muối. Đây là một trong những cải tiến mới của diêm dân nơi đây, nhờ sự liên kết và hướng dẫn từ doanh nghiệp chế biến muối.
Mặt nền làm muối cũng được sửa sang, hệ thống mương máng dẫn nước vào ruộng được xây dựng để tối ưu chất lượng, làm nên những hạt muối trắng hơn và sạch hơn.
"Muối sạch bán được 34.000/kg. Còn muối thô kia được có 25.000 đồng/kg. Muối sạch được công ty thu mua giá cao hơn nên bà con cũng phấn khởi", bà Phùng Văn Mị - xã Bạch Long, Giao Thủy, Nam Định cho biết.
Vùng sản xuất muối sạch của tỉnh Nam Định hiện rộng khoảng 30 ha với gần 40 hộ tham gia. Các quy trình sản xuất được giám sát và chặt chẽ, muối trước khi thu mua sẽ được đánh giá cẩn thận vì các sản phẩm muối ăn cần đáp ứng nhiều quy chuẩn cụ thể về chất lượng khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Diện tích sản xuất muối của tỉnh Nam Định hiện có 550 ha. Trên thực tế, chỉ có 40% sản xuất có hiệu quả với sản lượng muối thô hàng năm của tỉnh khoảng 25.000 tấn. Nhưng làm muối thô, bán thô thì giá trị không được bao nhiêu, vì thế những liên kết sản xuất muối sạch, muối chất lượng cao sẽ là giải pháp trước mắt cho cả diêm dân và doanh nghiệp muối tại tỉnh.
Tỉnh Nam Định là 1 trong 8 địa phương nằm trong Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Với nguồn kinh phí hỗ trợ, tỉnh định hướng ưu tiên nâng cấp hạ tầng sản xuất muối, mở rộng sản xuất muối sạch cùng các chuỗi liên kết bền chặt vì chỉ có liên kết, có chất lượng và đầu ra ổn định mới có thể khuyến khích người dân quay trở lại đồng muối.