Giá đường tăng cao kỷ lục, đắt nhất 12 năm qua
Trao đổi với báo VTC News, bà Trần Thị Thu, một tiểu thương ở chợ Khâm Thiên cho biết: “Tính từ Tết Nguyên đán đến nay, giá đường cát Biên Hòa đã tăng thêm 7.000 đồng/kg, giá đường kính trắng Lam Sơn tăng 5.500 đồng/kg. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao trong khi nguồn đường nhập khẩu hạn chế, các nhà máy trong nước cũng đã hết vụ”.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La thông tin: “Vụ mía vừa rồi, nhà máy đường chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nên sản lượng giảm hơn 20%. Hiện, sản phẩm của chúng tôi đã tiêu thụ hết và nhà máy đang trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa vụ mới”.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn cho biết, giá đường thế giới tăng cao kỷ lục đã kéo theo giá đường trong nước tăng tương ứng. Ngoài ra, thời gian qua, đường trong nước bị mất giá do tình trạng đường nhập lậu Thái Lan được bán phá giá. Hiện nay, công tác kiểm soát tốt hơn, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan giảm, Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với đường mía từ Thái Lan… nên giá đường tại Việt Nam tăng trở lại.
Chia sẻ với báo Phụ Nữ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng mía đang tăng dần trong 3 năm gần đây và Việt Nam không lo thiếu đường. Việc giá đường tăng hiện nay một phần do ảnh hưởng từ việc giá đường thế giới tăng. Mức tăng của giá đường trong nước hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng của giá đường thế giới, đang là mức tăng thấp nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tại Philippines, giá đường hiện nay gần 35.000 đồng/kg, tại Trung Quốc gần 23.000 đồng/kg, trong khi giá trung bình của đường Việt Nam đang chỉ hơn 21.000 đồng/kg. Nếu Ấn Độ có cấm xuất khẩu đường thì không tác động tới ngành mía đường Việt Nam.
“Từ trước đến nay, Việt Nam rất ít nhập khẩu đường từ Ấn Độ, sản lượng mỗi năm chưa đến 0,2% tổng lượng đường Việt Nam nhập khẩu. Chúng ta chỉ bị ảnh hưởng khi giá đường thế giới tăng cao. Hiện, đây là thời điểm Việt Nam nên tính tới chuyện khuyến khích phục hồi trồng mía nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nguyễn Văn Lộc nói.
Vì sao giá đường tăng cao?
Trong tháng 6/2023, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022/23. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,714,224 tấn mía sản xuất được 941,373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021/22 sản lượng mía ép đạt 129% và sản lượng đường đạt 126%. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020/21 sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%.
Sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp cho thấy, ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.
Không những vậy, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất.
Như vậy, trong vụ ép 2022/23, ngành đường Việt Nam đã xuất sắc thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.
Về vụ chế biến mía đường niên vụ 2023/24, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2022/23, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023/24 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2022/23 như sau: Diện tích mía thu hoạch (ha) 159,159 ha tăng 112%; Sản lượng mía chế biến 10,560,399 tấn tăng 109%; Sản lượng đường 1,026,719 tấn tăng 110%.
Báo Công Thương dẫn nguồn Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn trong nhiều năm liền, theo đó từ tháng 2/2011 đến tháng 8/2019, giá đường đã giảm hơn 60% khiến cho ngành mía đường đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Điển hình diện tích vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp, sản lượng đường sản xuất trong nước suy giảm liên tục không những dưới tác động chung của giá đường thế giới thông qua các chính sách trợ cấp, trợ giá từ những quốc gia xuất khẩu mà còn chịu tác động trực tiếp từ đường giá rẻ nhập lậu qua biên giới có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan.
Tuy nhiên, bước sang niên vụ 2022/23 đã ghi nhận một số diễn biến tích cực cho ngành mía đường. Theo đó, kể từ mức giá thấp nhất được thiết lập vào vụ 2019/20 thì đến vụ 2022/23 mức giá đường thế giới đã tăng 160% làm giảm số lượng đường giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ đó cải thiện giá đường trong nước.
Đáng chú ý, tác động từ Hiệu ứng Elnino làm suy giảm nguồn cung đường trên thế giới, đặc biệt là hạn hán tại những nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ từ đó giúp giữ ổn định đà hồi phục giá đường trên thế giới.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường thế giới đang tăng khá mạnh, đây được xem là giá cao nhất trong thập kỷ qua. Giá đường thế giới tăng cũng giúp giá đường trong nước tăng theo. Từ đó, các nhà máy đường đã tăng công suất sản xuất. Thời gian tới sẽ có thêm một số nhà máy ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung trước đây tạm đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sẽ hoạt động trở lại.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lộc, trước tình hình giá đường tăng cao, VSSA đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin về tình hình cung cầu đường năm 2023 và dự báo 2024; tham gia đề xuất ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/sau-gao-gia-duong-noi-duoi-cao-nhat-trong-12-nam-qua-a17216.html