Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì của Việt Nam đạt 360.625 tấn trong tháng 8/2023 với kim ngạch hơn 114,9 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 3,4% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này đạt hơn 3,1 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,1 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá mua vào đã ghi nhận xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022, bình quân trong 8 tháng đầu năm giá nhập khẩu đạt 352 USD/tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường, Úc là thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam. Trong tháng 8/2023, nhập khẩu lúa mì từ Úc đạt 157.831 tấn với kim ngạch 49,84 triệu USD, giảm 52% về sản lượng và giảm 54,3% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, sản lượng nhập khẩu lúa mì từ Úc của Việt Nam đạt gần 2,28 triệu tấn với kim ngạch hơn 786,88 triệu USD, tăng 8,8% về lượng nhưng giảm 1,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời chiếm 72% tỷ trọng về sản lượng trong cơ cấu nhập khẩu lúa mì của Việt Nam.
Dù Úc là nhà cung cấp lớn nhất tuy nhiên Việt Nam lại đang ghi nhận sản lượng nhập khẩu lúa mì từ một quốc gia châu Âu tăng đến gần 5.000% trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, nhập khẩu lúa mì từ Áo vào Việt Nam trong 8T/2023 đạt 11.907 tấn với kim ngạch hơn 4,1 triệu USD, tăng 4.8820% về lượng và tăng 4.17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu cũng đã giảm mạnh so với cùng kỳ, đạt 345 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên quốc gia này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu lúa mì của Việt Nam với tỷ lệ dưới 1%.
Theo các con số thống kê từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam là nước nhập khẩu lúa mì, ngô, đậu tương lớn nhất Đông Nam Á. Trong năm 2022, lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt 3,93 triệu tấn, tương đương gần 1,52 tỷ USD, giảm 12,6% về khối lượng, nhưng tăng 14% về kim ngạch so với năm 2021, giá trung bình đạt 385,3 USD/tấn, tăng 30,4%.
Mặc dù Việt Nam có thể trồng được lúa mì, nhưng do thổ nhưỡng và khí hậu không thích hợp bằng việc trồng các loại cây khác, nên không phát triển ngành nông nghiệp trồng lúa mì. Hàng năm, Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 3,4 triệu tấn lúa mì, và toàn bộ nhu cầu tiêu thụ này được cung ứng bởi nguồn nhập khẩu.
Theo Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), trên thế giới hiện chỉ có 12 nước sản xuất đủ lúa mì để xuất khẩu. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất lúa mỳ lớn nhất thế giới với 138 triệu tấn trong vụ mùa 2022 - 2023. Tuy nhiên, nước này vẫn nhập khẩu hơn 10 triệu tấn/năm để đáp ứng nhu cầu của dân số 1,4 tỷ người và dự trữ một lượng lớn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Nga là nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu trong vụ mùa 2022 - 2023 với 46 triệu tấn và có thể chiếm 1/4 lượng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu năm 2023.