Trong phiên giao dịch mới đây, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 5 USD/tấn về mức 608 - 612 USD/tấn, giá gạo 25% tấm còn 593 - 597 USD/tấn.
Giá gạo hiện nay đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường lượng tồn kho, tìm kiếm các nguồn lương thực thay thế cho gạo.
Tuy nhiên, mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu sẽ còn phụ thuộc vào chính sách của các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ trong thời gian tới. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp cần theo dõi tình hình thương mại toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tính đến những phương án có thể xảy ra để phòng tránh rủi ro.
Giá gạo hiện nay đang có xu hướng chững lại. (Ảnh: NLĐ)
"Chúng ta luôn luôn phải tính đến những phương án có thể xảy ra, trong việc chúng ta dự trữ, cũng như ký kết hợp đồng và áp dụng các điều khoản phù hợp để phòng tránh rủi ro. Còn việc đảm bảo dự trữ lưu thông, cũng như đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 107 vẫn là yêu cầu hàng đầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đảm bảo tuân thủ", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo đang thuận lợi, nhất là trong những tháng cuối năm bởi các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… vẫn mua mạnh. Ngoài ra, người tiêu dùng tại thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở khu vực Trung Đông đang ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 308.000 tấn gạo các loại, thu về 190,4 triệu USD. Lũy kế đến giữa tháng 9 năm nay, lượng gạo xuất khẩu lên đến 6,12 triệu tấn, giá trị đạt 3,35 tỷ USD.