Việt Nam sở hữu "viên ngọc quý hiếm" được cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ săn lùng: Xuất khẩu tăng hơn 100% trong tháng 8, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng

Loại nông sản này chỉ có rất ít trên thế giới – chủ yếu tại Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam sở hữu "viên ngọc quý hiếm" được cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ săn lùng: Xuất khẩu tăng hơn 100% trong tháng 8, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam đạt 1.731 tấn với kim ngạch đạt 7 triệu USD, tăng 110,6% về lượng và tăng 43% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đã thu về 57,6 triệu USD với 9.996 tấn, tăng 24% về trị giá.

Giá xuất khẩu mặt hàng này bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 5.762 USD/tấn, tăng nhẹ 2% so với năm 2022.

Về thị trường, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ là 3 thị trường nhập khẩu chính của hoa hồi, lần lượt chiếm tỷ trọng 57,2%; 14,5% và 6,4%. Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 45,8%, xuất khẩu sang Mỹ tăng 13,5% còn xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 13%.

Trong năm 2022, Việt Nam đã thu về 72,9 triệu USD với 12.855 tấn hồi, giảm 12,2% về lượng và giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam sở hữu "viên ngọc quý hiếm" được cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ săn lùng: Xuất khẩu tăng hơn 100% trong tháng 8, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng - Ảnh 2.

Hoa hồi là một trong những loại cây gia vị quý báu của Việt Nam. Theo Hiệp hội Gia vị thế giới, sản lượng hoa hồi của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới. Đây vốn là loài cây bản địa với rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn ở Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong số 4 quốc gia đóng góp tới 98% tổng sản lượng quế toàn cầu.

Diện tích trồng hồi của Việt Nam đạt khoảng 50.000 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng thu về hơn 16.000 tấn mỗi năm. Trong đó Lạng Sơn là nơi được coi là “thủ phủ” của cây hồi - được trồng rải rác tại hầu hết các huyện nhưng tập trung nhiều tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc với tổng diện tích hơn 40.000 ha, chiếm trên 70% diện tích hồi cả nước với sản lượng 13.000-15.000 tấn/năm.

Nhiều phân tích cho thấy, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại các nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm Nghiệp, giá trị xuất khẩu quế - hồi đã liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, chiếm hơn 8,3% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả. Năm ngoái đã tăng lên 276 triệu USD.

Bên cạnh hạt tiêu, quế, hồi, các gia vị khác của Việt Nam cũng mang lại lợi ích kinh tế cao như ót, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu.... Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/viet-nam-so-huu-vien-ngoc-quy-hiem-duoc-ca-my-trung-quoc-va-an-do-san-lung-xuat-khau-tang-hon-100-trong-thang-8-viet-nam-dung-thu-2-the-gioi-ve-san-luong-a18342.html