Kiểm tra chồng chéo?
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 29/9, PV Tiền Phong nêu vấn đề xoay quanh việc nhiều doanh nghiệp điều phản ánh, hiện không chỉ điều nhập khẩu phải kiểm dịch mà đối với hàng điều nhân xuất khẩu cũng phải qua khâu này. Trong khi đó, cùng thời điểm, đơn vị kiểm tra chất lượng thực hiện nội dung tương tự khiến việc kiểm tra bị chồng chéo, không cần thiết.
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cho biết, mặt hàng điều là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Việc kiểm dịch thực vật có mục đích nhằm phát hiện sinh vật gây hại, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Trong khi đó, kiểm tra chất lượng là phạm trù hoàn toàn khác, liên quan đến đánh giá sự phù hợp, xem xét chất lượng hạt điều xuất khẩu có đáp ứng được điều kiện của bên mua hàng hay không. Hai vấn đề này là hoàn toàn khác nhau, một bên là bắt buộc còn bên kia là tự nguyện.
Bà Hương thông tin, trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp điều có ý kiến về việc kiểm tra, làm sao vừa kiểm soát chất lượng và kiểm dịch bảo vệ thực vật cùng nhau để vừa giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
"Cục vừa tổ chức cuộc họp với Hiệp hội điều về vấn đề này. Đơn vị đang cố gắng tìm giải pháp phù hợp để đảm bảo cả hai tiêu chí về kiểm dịch bắt buộc của lô hàng xuất khẩu và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp", bà Hương nói và cho rằng trước mắt các doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ việc đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, không bị cảnh báo, không bị mất thị trường với hạt điều - vốn là sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam.
Theo thông tin Tiền Phong nắm được, tại buổi đối thoại phổ biến tuyên truyền quy định kiểm dịch thực vật diễn ra chiều 28/9, đại diện Phòng Kiểm dịch thực vật - Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, đối với mặt hàng nhân điều chế biến, nguy cơ nhiễm dịch hại rất thấp, gần như không có, do đó quy trình kiểm dịch hiện nay là không cần thiết.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, sẽ tiếp thu kiến nghị của các doanh nghiệp điều, xem xét để đề xuất lên Bộ NN&PTNT đưa mặt hàng nhân điều sơ chế và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác ra khỏi danh mục bắt buộc kiểm dịch nếu thấy không cần thiết, không có nguy cơ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Anh tăng tần suất kiểm tra với thanh long
Trước câu hỏi liên quan đến trái thanh long và bòn bon bị Vương quốc Anh cảnh báo vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bà Hương cho hay, tháng 4 vừa qua Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông báo từ phía Anh sẽ thay đổi biện pháp nhập khẩu. Ngay sau khi nhận thông báo, Cục đã tổng hợp số liệu kiểm tra xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu, rà soát thông tin cảnh báo thanh long ở thị trường EU và Vương quốc Anh.
Theo đó, Vương quốc Anh chuyển biện pháp kiểm soát thanh long từ Phụ lục 2 sang Phụ lục 1 (không cần phải kiểm soát tại gốc ở Việt Nam mà chuyển sang kiểm soát ở đầu nước nhập khẩu). Tuy nhiên, phía bạn cũng tăng tần suất kiểm tra lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm từ 20% lên 50% tại cửa khẩu.
Bà Hương cho biết, việc Vương quốc Anh chuyển thanh long sang Phụ lục 1 chứng tỏ nước này đánh giá việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại Việt Nam tốt hơn trước. Tuy nhiên, đề xuất này lại đi kèm việc nâng tần suất kiểm tra ở cửa khẩu lên 50%, thay vì giữ nguyên là 20% như EU.
“Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín mặt hàng thanh long của Việt Nam hơn là biện pháp kiểm soát từ nguồn, đồng thời làm tăng chi phí kiểm tra và lưu kho bãi cho doanh nghiệp xuất khẩu”, bà Hương cho hay.