Cần kiểm soát chặt tôm hùm giống nhập ngoại

Cần phải giải quyết vấn đề quản lý nguồn giống tôm hùm nhập khẩu và kiểm soát nguồn giống trôi nổi để đảm bảo chất lượng, giảm thiệt hại cho bà con.

Tôm hùm giống hao hụt cao gây thiệt hại lớn

Tại 5 tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận hiện có hơn 179.000 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng hơn 3.250 tấn mỗi năm. Trong đó, Khánh Hòa và Phú Yên là 2 vùng nuôi chủ lực, chiếm 95% số lồng và sản lượng nuôi.

Thế mạnh là vậy nhưng có một thực tế hiện nay là nguồn tôm hùm giống gần như phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn giống sau khi mua về thả nuôi hao hụt rất lớn và gây thiệt hại không ít cho bà con ngư dân.

Cần kiểm soát chặt tôm hùm giống nhập ngoại - Ảnh 1.

Hiện nay có đến 90% tôm bông và 100% giống tôm hùm xanh thả nuôi ở Nam Trung bộ phải nhập khẩu. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

Thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên, hiện có hơn 60.000 lồng nuôi thương phẩm và lồng ươm tôm hùm. Theo tính toán của ngư dân, cứ một lồng nuôi 9m2 sẽ thả 150 con giống. Tuy nhiên, tỷ lệ con giống hao hụt sau thả nuôi rất lớn.

Với gần 180.000 lồng nuôi tôm hùm tại khu vực Nam Trung Bộ thì nhu cầu con giống rất lớn nhưng hiện nay có đến 90% tôm bông và 100% giống tôm hùm xanh thả nuôi ở Nam Trung bộ phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, nguồn giống tôm hùm ngoại nhập có tỷ lệ hao hụt cao, nhất là đối với ngư dân mua con giống trôi nổi. Báo cáo của ngành thủy sản 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cho thấy, tỷ lệ tôm hùm giống hao hụt khi thảo nuôi chiếm đến 30 - 35%.

Rõ ràng, tôm hùm giống kém chất lượng gây ra thiệt hại cho ngư dân không hề nhỏ. Như tại Phú Yên, mỗi năm ngoài thác tự nhiên khoảng 400.000 con thì nhập từ 8 - 10 triệu con giống để thả nuôi.

Với mỗi con tôm hùm con khi thả nuôi có giá 36.000 đồng mà tỷ lệ con giống hao hụt từ 30 -35% mỗi năm mỗi ngư dân Phú Yên thiệt hại trên dưới 100 tỷ đồng. Còn tại Khánh Hòa, thiệt hại của ngư dân nuôi tôm hùm do giống kém chất lượng cũng không hề nhỏ.

Kiểm soát nguồn tôm hùm giống nhập khẩu

Theo tính toán của ngư dân, bình quân một hộ thả nuôi 10 lồng tôm hùm cần 1.500 con giống. Với giá tôm hiện là 36.000 đồng/con và tỷ lệ tôm chết sau khi thả giống chiếm 30 - 35%, có nghĩa ngư dân mất hơn 16 triệu đồng.

Hiện ở các vùng nuôi tôm hùm lớn tại Phú Yên và Khánh Hòa, mỗi hộ nuôi khoảng từ 20 lồng cho đến gần 100 lồng. Với những hộ ngư dân mua con giống trôi nổi thì thiệt hại càng lớn hơn.

Do vậy, cần phải giải quyết vấn đề quản lý nguồn giống tôm hùm nhập khẩu và kiểm soát nguồn giống trôi nổi để đảm bảo chất lượng và giảm thiệt hại cho bà con.

Cần kiểm soát chặt tôm hùm giống nhập ngoại - Ảnh 2.

Hiện ở các vùng nuôi tôm hùm lớn tại Phú Yên và Khánh Hòa, mỗi hộ nuôi khoảng từ 20 lồng cho đến gần 100 lồng. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Xuân Thành là phường có hộ nuôi tôm hùm lớn thứ 4 ở thị xã Sông cầu, tỉnh Phú Yên với nhu cầu con giống lên đến vài triệu con mỗi năm. Nhưng theo lãnh đạo phường, trên địa bàn không có đơn vị nào đăng ký kinh doanh mặt hàng tôm hùm giống và nhiều hộ chọn mua con giống bán trôi nổi trên thị trường.

Hiện giống tôm hùm phân phối ra thị trường 5 tỉnh Nam Trung Bộ được nhập từ Malaysia, Philippines, Singapore… Tuy nhiên, gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiếp nhận thông tin từ người dân và doanh nghiệp phản ánh tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ và đường hàng không diễn ra khá phổ biến, phức tạp.

Mới đây, vào tháng 7, 5 lô hàng với gần 1,4 triệu con tôm hùm giống của 3 công ty nhập khẩu từ Malaysia nhiễm virus gây bệnh đốm trắng đã bị Chi cục Thú y vùng IV tiêu hủy. Trước tình trạng này, hiện các địa phương đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam, tôm hùm giống không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, tôm hùm là loại thủy sản đem lại nguồn thu trung bình từ 1.500 đến hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Với nhu cầu tôm hùm giống mỗi năm của ngư dân khoảng 80 triệu con thì vấn đề kiểm soát nguồn giống là yếu tố sống còn để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm.

Chỉ khi minh bạch nguồn gốc tôm giống, lúc đó mới giảm thiệt hại cho ngư dân và cũng là cơ sở để triển khai các chuỗi liên kết tôm hùm xuất khẩu chính ngạch.


Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/can-kiem-soat-chat-tom-hum-giong-nhap-ngoai-a18913.html