AI là mối lo ngại lớn cho biên kịch nhưng diễn viên còn nhiều mối lo hơn

Cần tới bao nhiêu diễn viên để studio có thể sản xuất các bộ phim và chương trình truyền hình được trình chiếu trên các dịch vụ streaming?

SAG-AFTRA, hiệp hội các diễn viên với 160 ngàn thành viên vừa tổ chức đình công để thể hiện lo ngại về khả năng trí tuệ nhân tạo sẽ tước đi việc làm của rất nhiều diễn viên trong tương lai.

Các cuộc thương lượng giữa hiệp hội diễn viên với các studio và dịch vụ streaming lớn đằng sau những bộ phim và chương trình truyền hình đã liệt kê một số vấn đề, nhưng trong số đó không có vấn đề nào gây tranh cãi - hay khó hiểu - nhiều như về chính sách sử dụng AI.

Tại Hollywood, từ ngoài nhìn vào, AI có vẻ là vấn đề lớn hơn cho các nhà viết kịch bản hơn là các diễn viên, nhất là khi ChatGPT đang có thể được sử dụng để viết đủ thứ, từ luận văn cho trường đại học luật, trường đại học kinh doanh cho tới hồ sơ pháp lý, với đủ mức độ thành công khác nhau.

Việc chiến thắng trong các yêu cầu hạn chế sử dụng AI là một vấn đề đáng quan tâm của Hiệp hội Nhà văn Mỹ, vốn đã tổ chức đình công trước các studio và dịch vụ streaming từ ngày 2/5 tới nay. Tuy nhiên, SAG-AFTRA và những thành viên đình công của họ cũng đang mang nhiều lo sợ về những hậu quả sẽ tới từ việc sử dụng AI.

Fran Drescher, Chủ tịch Hiệp hội diễn viên SAG-AFTRA trong một cuộc họp báo vào tuần vừa rồi đã phát biểu: “Nếu chúng ta không đoàn kết đứng lên ngay bây giờ, chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối trong tương lai. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi máy móc”.

Cuộc chiến xung quanh diễn viên và diễn xuất ảo

Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính, hay CGI, sử dụng để tạo nên các diễn viên và nhân vật quần chúng ảo là kỹ thuật được sử dụng từ lâu tại Hollywood. Tuy nhiên cũng như khi máy tính thay thế họa sĩ hoạt hình phải vẽ bằng tay 24 khung hình cho mỗi giây, AI cho phép sử dụng CGI để mô phỏng lại những diễn xuất bởi các diễn viên không có thật một cách dễ dàng với giá thành rẻ mạt. Vì vậy, SAG-AFTRA tin rằng các studio muốn sử dụng AI để thay thế các diễn viên.

Sử dụng AI để tạo nên diễn xuất ảo không còn chỉ mang tính lý thuyết, chúng đã bắt đầu được thực hiện. Những đoạn phim deepfake được tạo nên bởi AI, ví dụ như một loạt những video rất thuyết phục nhưng hoàn toàn không có thật về một song trùng của Tom Cruise được đăng tải trên các mạng xã hội.

Công nghệ này cũng có thể dễ dàng được sử dụng để thay thế các nhân vật quần chúng trong các sản phẩm của studio - những nhân vật được liệt kê trong danh đề cuối phim với các tên như “sĩ quan cảnh sát thứ hai” hay “bồi bàn tại nhà hàng”. Những vai này mang lại một lượng việc làm khổng lồ mà các thành viên SAG-AFTRA tận dụng để mưu sinh.

Cho tới thời điểm này, cả hai phía đều chưa nhất trí đề xuất của các studio về việc sử dụng AI trong tương lai. Liên minh Các Nhà sản xuất Phim ảnh và Chương trình Truyền hình (AMPTP), đại diện cho các studio và dịch vụ streaming trong cuộc thương lượng, cho rằng đề xuất của họ sẽ bảo vệ các diễn viên khỏi bị lạm dụng bởi AI, và sẽ “bảo vệ hình hài số của các diễn viên, yêu cầu phải có được sự đồng ý của diễn viên trước khi sử dụng AI để chế tạo và sử dụng bản sao số hoặc thay đổi số trong một diễn xuất”.

Tuy nhiên, hiệp hội diễn viên tin rằng mối đe dọa đối với việc làm của họ vẫn hiện hữu và các đảm bảo từ phía studio không đáng giá như các ban lãnh đạo khẳng định.

Duncan Crabtree-Ireland, trưởng nhóm thương lượng của hiệp hội, cho biết: “Họ đề xuất rằng những diễn viên quần chúng có thể được quét và sao chép, được trả một ngày lương và sau đó công ty họ có thể sở hữu bản sao chép đó, bao gồm hình ảnh cũng như hình hài của diễn viên và có thể sử dụng nó trong bất kỳ dự án nào vào bất kỳ lúc nào trong tương lai mà họ muốn mà không phải trả phí hay xin phép”.

AMPTP bác bỏ các khẳng định này và cho biết, hình hài của họ sẽ chỉ được sử dụng “trong các bộ phim mà các diễn viên quần chúng được tuyển dụng để thực hiện”.

SAG không cho biết đề xuất ngược lại của họ là gì, nhưng có thể thấy rõ các diễn viên không muốn hình hài của họ được sử dụng bởi các studio mà không có sự cho phép hay đề xuất từ phía họ, đặc biệt là khi không có sự đền bù thỏa đáng.

Khó có thể cấm sử dụng AI hoàn toàn

Các chuyên gia cho rằng bất kể nội dung trong thỏa thuận được nhất trí sau cùng là gì, chúng chắc chắn sẽ không dẫn tới quyết định hoàn toàn cấm sử dụng AI trong chế tạo diễn viên ảo. Khả năng cao hơn có thể xảy ra là những thỏa thuận này sẽ đề ra luật lệ về cách sử dụng AI, và bồi thường thỏa đáng cho các diễn viên có giọng nói, hình hài được sử dụng bởi AI.

Anthony Palomba, giáo sư tại Đại học Kinh doanh Darden thuộc Đại học Virginia và chuyên gia sản phẩm và khoa học ngành giải trí, cho biết: “Tôi nghĩ, chúng ta đã đi quá xa để đưa ra quyết định đó rồi. Các studio rất lưỡng lự khi đặt ra hạn chế sử dụng AI. Các diễn viên biết công nghệ này tồn tại, họ không biết các studio sẽ sử dụng chúng trong mục đích nào”.

Việc sử dụng CGI để dựng nên các diễn xuất ảo đã được thực hiện tại Hollywood trong nhiều thập kỷ qua, mô phỏng các đám đông trong các bộ phim về thể thao hay các chiến binh trong các cảnh quay chiến đấu.

Có cả những trường hợp từ 20 năm trước mà trong đó CGI được sử dụng để dựng nên các cảnh quay sát mặt nhân vật trong khi diễn viên không có mặt. CGI đã được sử dụng trong một cảnh quay cuối có Nancy Marchand thủ vai mẹ của Tony Soprano trong bộ phim The Sopranos của HBO (năm 2001), dù bà đã qua đời trước khi cảnh quay này được viết.

Tốc độ thay đổi và cải thiện trong công nghệ AI là yếu tố lớn khiến việc nhất trí về một thỏa thuận là rất khó.

Rowan Curran, một nhà phân tích tại Forrester, một chuyên gia trong ngành AI cho biết: “Công nghệ này đang cải thiện quá nhanh và liên tục, vì vậy rất khó có thể đề ra một danh sách các chi tiết và hướng dẫn đầy đủ mà không bị lỗi thời chỉ sau một thời gian ngắn”.

Joshua Glick, giáo sư thỉnh giảng về phim và nghệ thuật số tại Đại học Bard cho biết: “Các mối lo ngại và cảm xúc đang thể hiện không chỉ là cho thời điểm hiện tại, mà còn là cái nhìn về tương lai”.

AI cũng sẽ là vấn đề trong nhiều ngành lao động khác

Khi được hỏi liệu diễn viên và biên kịch có phải là những công việc bị ảnh hưởng lớn nhất bởi AI không, ông Palomba của Đại học Virginia cho biết: “Tôi không nghĩ có ai có câu trả lời cho câu hỏi đó. Nếu như có ai nói họ có câu trả lời, thì họ đang nói dối”.

Những vấn đề gây tranh cãi trong những cuộc thương lượng này đều bắt nguồn từ miếng cơm manh áo. Cuộc chiến xung quanh AI xảy ra nhằm xác định về khả năng kiểm soát và những kỹ thuật sẽ được sử dụng trong các bộ phim, chương trình truyền hình trong tương lai cũng như về tầm ảnh hưởng khó tính toán được lên các việc làm. Theo các chuyên gia, đây là lí do rất khó có thể tìm được tiếng nói chung.

Andrea Schneider, một giáo sư tại Đại học Luật Cardozo và chuyên gia thương lượng, giải quyết xung đột cho biết: “Tôi nghĩ rất khó thương lượng xung quanh AI, vì họ đang thương lượng về một thứ mà không ai biết được sẽ có ảnh hưởng thế nào trong vài năm tới”.

Bất kể thỏa thuận về AI từ hai cuộc đình công này là gì, đây cũng sẽ không phải lần cuối AI là mục tiêu của các cuộc thương lượng về quyền lao động. Theo ước tính của Goldman Sachs, tới 300 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể được tự động hóa bởi AI.

David Gunkel, một giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Bắc Illinois, người theo sát các thông tin về AI trên truyền thông và giải trí cho biết: “Những diễn viên và biên kịch, họ là chim báo động khí độc trong các mỏ than. Họ là những người đối mặt trực tiếp với quá trình này, đặt ra những câu hỏi từ rất lâu trước khi tới lượt các tài xế UPS”.

Nguyễn Quang Minh (theo CNN)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/ai-la-moi-lo-ngai-lon-cho-bien-kich-nhung-dien-vien-con-nhieu-moi-lo-hon-a1906.html