Giao diện của một trang web giả mạo được các đối tượng lập để lừa người dùng. Ảnh: Công ty An ninh mạng Viettel
Cẩn trọng với lời rao bán dịch vụ rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng thông qua dịch vụ quẹt thẻ qua máy POS
Các chuyên gia dự báo số lượng các tên miền được sử dụng trong các đợt tấn công lừa đảo nhắm đến người dùng thẻ tín dụng của các tổ chức, ngân hàng tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
VCS cho biết, lừa đảo chiếm đoạt thông tin, tài sản của người dùng thẻ tín dụng là hình thức lừa đảo mới, phát triển mạnh mẽ trên không gian mạng Việt Nam nửa đầu năm nay nhắm vào người dùng các ngân hàng, tổ chức tại Việt Nam.
Một đặc trưng chiến dịch lừa đảo này là tên miền được sử dụng thường chứa các từ khoá như “dichvu”, “canhan”, “khachhang”, “uutien”, “visa”… hoặc có chứa tên viết tắt các tổ chức ngân hàng.
Chiến dịch gồm nhiều đợt tấn công, với mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, mỗi ngày có từ 3-5 tên miền mới được tạo. Các tên miền không sử dụng cùng địa chỉ IP mà phân bổ trên các địa chỉ IP khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi và phát hiện. Thời gian sống của các tên miền ngắn, từ 3-4 ngày, hoặc ngay khi các đối tượng nghi ngờ bị phát hiện, sẽ ngắt hạ tầng của tên miền.
Về phương thức tấn công, theo phân tích của các chuyên gia, trên các trang mạng xã hội từ lâu đã xuất hiện nhiều hội nhóm, cá nhân rao bán dịch vụ rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng thông qua dịch vụ quẹt thẻ qua máy POS. Đây là hình thức không hợp pháp và tồn tại nhiều rủi ro.
Lợi dụng sự gia tăng ngày càng cao nhu cầu, số lượng người dùng thẻ tín dụng cũng như những ưu đãi của các ngân hàng, tổ chức cho nhóm khách hàng này, gần đây các nhóm tội phạm mạng đã coi đây là mảnh đất màu mỡ, tập trung thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Kịch bản được các nhóm đối tượng đưa ra để lừa người dùng thẻ tín dụng khá tinh vi, với 4 bước. Trong đó, trước tiên, chúng tạo các bài đăng trên những trang mạng xã hội có nội dung hỗ trợ nâng cấp hạn mức thẻ tín dụng, sang ngang thẻ tín dụng… với lời mời gọi thủ tục nhanh chóng, duyệt hồ sơ siêu tốc, phê duyệt tự động, giải ngân trong ngày... Người dùng tin tưởng các bài đăng, sẽ liên hệ với các đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể mua bán dữ liệu người dùng, trong đó bao gồm thông tin cá nhân, hạn mức thẻ tín dụng… để xác định những nạn nhân tiềm năng.
Tiếp theo, đối tượng gọi điện, nhắn tin cho người dùng và mạo danh là nhân viên của ngân hàng, tổ chức tài chính để gửi thông tin hỗ trợ, mời chào nạn nhân sử dụng các dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng.
Sau đó, các đối tượng gửi đường link liên kết tới website giả mạo, lừa đảo. Trong một số trường hợp, đối tượng sử dụng các đường link rút gọn, hoặc cung cấp mã QR để nạn nhân quét. Một khi nạn nhân truy cập vào trang giả mạo, website sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, bao gồm: họ tên, căn cước công dân, chụp ảnh căn cước công dân 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ giống như trang web chính thống của ngân hàng mục tiêu. Nạn nhân cũng được yêu cầu chia sẻ mã OTP gửi về số điện thoại.
Cuối cùng, sau khi có thông tin thẻ tín dụng của người dùng, đối tượng lừa đảo sẽ dùng thông tin thẻ để thanh toán các giao dịch trực tuyến, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78%
Chuyên gia VCS nhận định, đây là hình thức lừa đảo mới và đang phát triển mạnh mẽ trong năm nay, do nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng và các dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng tăng cao. Kịch bản nhắn tin, gọi điện tư vấn với nạn nhân được lên kỹ càng, đối tượng trả lời lưu loát, hợp lý với các thắc mắc, câu hỏi từ phía nạn nhân. Các đối tượng đánh vào lòng tham và sự cả tin của nạn nhân. Trong quá trình trao đổi, đối tượng luôn hướng nạn nhân về các chính sách, điều khoản được hưởng, cùng với các quyền lợi để dễ dàng thao túng nạn nhân.
Mô hình các bước tấn công lừa đảo người dùng các dịch vụ thẻ tín dụng. Ảnh: Công ty An ninh mạng Viettel
Theo Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.
Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.
Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Để ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại từ các cuộc tấn công lừa đảo, các chuyên gia khuyến nghị người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ/thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và bằng bất kỳ hình thức nào; không đăng tải các thông tin cá nhân (bao gồm cả giấy tờ tùy thân) lên mạng xã hội để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai.
Người dùng cũng cần thường xuyên theo dõi thông báo biến động số dư thẻ (qua SMS/ thông báo app) và thông báo ngay với ngân hàng khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/diem-mat-cac-ten-mien-duoc-su-dung-de-tan-cong-chiem-doat-tai-san-tu-the-tin-dung-a1918.html