Một mặt hàng Việt Nam đang liên tục đổ bộ vào Đức: xuất khẩu tăng 3 chữ số, Việt Nam có trữ lượng lớn thứ 5 thế giới

Giá xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 17% trong 8 tháng đầu năm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8 đạt 12.178 tấn, đạt gần 22 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 19,4% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu chè của cả nước đạt thu về hơn 121,8 triệu USD, tương đương 71 tấn chè các loại, giảm 13,9% về lượng và giảm 16,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 1.718 USD/tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một mặt hàng Việt Nam đang liên tục đổ bộ vào Đức: xuất khẩu tăng 3 chữ số, Việt Nam có trữ lượng lớn thứ 5 thế giới - Ảnh 1.

Trong số các thị trường xuất khẩu của chè Việt, Pakistan là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với tỷ trọng gần 41% về khối lượng. Xuất khẩu sang các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan và Nga vẫn trong xu hướng giảm, bởi kinh tế các nước này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chè Việt Nam vẫn đang được nhiều thị trường khác tăng mạnh nhập khẩu, trong đó có quốc gia châu Âu - Đức.

Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu chè sang thị trường này đạt 26 tấn, thu về 165.815 USD, tăng mạnh 188,9% về lượng và tăng 112,6% về giá trị.

Tính chung 8 tháng đầu năm, Đức đã nhập 249 tấn chè từ Việt Nam, tương đương 808.552 USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 119,8% về giá trị. Trong khi đó, Đức chỉ nhập khẩu 175 tấn chè trong cả năm 2022. Như vậy xuất khẩu chè sang quốc gia châu Âu trong 8T/2023 đã vượt tổng lượng cả năm 2022 cộng lại.

Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm sang Đức đạt 3.247,2 USD/tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Một mặt hàng Việt Nam đang liên tục đổ bộ vào Đức: xuất khẩu tăng 3 chữ số, Việt Nam có trữ lượng lớn thứ 5 thế giới - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Việt Nam mới là thị trường cung cấp chè lớn thứ 19 cho Đức, lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng lượng chè nhập khẩu của Đức.

Lượng nhập khẩu chè đen từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng chè đen nhập khẩu của Đức và chè xanh chỉ chiếm 1,8% tổng lượng chè xanh Đức nhập khẩu.

Do điều kiện khí hậu, ở EU không sản xuất chè. Đức hoàn toàn lệ thuộc vào việc nhập khẩu sản phẩm này từ các nước khác. Do đó, Đức là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 7 trên thế giới (theo tổng hợp dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế giai đoạn năm 2018 – 2022).

Đáng chú ý, ngoài việc nhập khẩu chè để tiêu thụ nội địa, Đức còn là nhà tái xuất khẩu chè lớn, nghĩa là nước này đóng vai trò quan trọng như là cổng vào thị trường EU.

Thị trường Đức cũng như thị trường khác trong khối EU có mức độ đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Hiện Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022).

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/mot-mat-hang-viet-nam-dang-lien-tuc-do-bo-vao-duc-xuat-khau-tang-3-chu-so-viet-nam-co-tru-luong-lon-thu-5-the-gioi-a19647.html