Doanh nghiệp sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam kinh doanh thế nào?

Mỏ đất hiếm Đông Pao đã được cấp phép từ 2014 nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác. Lavreco đang xúc tiến tìm đối tác chiến lược để cùng đầu tư dự án.

Doanh nghiệp sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam kinh doanh thế nào? - Ảnh 1.

Mỏ đất hiếm Đông Pao. Ảnh: VTV.VN

Đất hiếm là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử, pin, nam châm mạnh, đèn LED… Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.

Hiện nay, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn.

Mỏ thuộc quản lý và khai thác Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco). Doanh nghiệp được thành lập vào 2008 với sự tham gia của 6 cổ đông, vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị thành viên Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 55% vốn (192,5 tỷ đồng).

Mỏ đất hiếm Đông Pao đã được cấp phép nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác do khó khăn về thị trường, công nghệ chế biến, thu xếp tài chính…

Cụ thể, Lavreco đã triển khai lập dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác, chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao với 3 dự án thành phần là dự án đầu tư xây dựng khai thác, chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao, phần mỏ tuyển đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác năm 2014; dự án nhà máy thủy luyện đất hiếm Đông Pao Lai Châu và dự án nhà máy tách chiết đất hiếm Đông Pao Hải Phòng đã được Bộ Công Thương thẩm định năm 2012. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.159 tỷ đồng.

Vào năm 2012, Lavreco cùng Tổng công ty Khoáng sản - TKV đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác - chế biến đất hiếm với Công ty phát triển đất hiếm Đông Pao Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó đối tác Nhật Bản lại dừng hợp tác dẫn đến công ty không có được nguồn vốn đầu tư và công nghệ chế biến đất hiếm từ Nhật Bản. Đến nay, công ty chưa tìm được đối tác nào đủ điều kiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước nên dự án không triển khai theo đúng tiến độ đề ra.

Lợi nhuận "nhỏ giọt"

Chính vì thế, dù được thành lập từ 2008 nhưng Đất hiếm Lai Châu -Vimico vẫn chưa thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận ổn định. Theo số liệu KSV công bố, đến năm 2020, Lavreco mới bắt đầu có doanh thu 16,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,35 triệu đồng. Sang năm 2021, doanh thu tăng lên 56,8 tỷ đồng và lợi nhuận 11,6 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2022 doanh thu giảm về 240 triệu đồng và không ghi nhận lợi nhuận.

Đồng thời, mặc dù vốn điều lệ đăng ký 350 tỷ đồng, riêng Tổng công ty Khoáng sản góp 192,5 tỷ đồng, song tính đến cuối 2022, tổng công ty mới góp hơn 148 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Vinacomin, thế giới thời gian qua có những biến động khó lường dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ, Liên minh Châu Âu với Nga trong việc giải quyết các tranh chấp, xung đột giữa Nga và Ukraine. Địa chính trị, địa kinh tế của thế giới sẽ thay đổi sâu rộng. Cạnh tranh về khoa học công nghệ giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt. Với tầm quan trọng của đất hiếm đối với các ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp năng lượng xanh, công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, “cuộc chiến” về nguồn cung đất hiếm- khoáng sản chiến lược của các cường quốc trên thế giới có thể xảy ra trong tương lai gần.

Trong năm 2022 và 2023, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách liên quan đến việc khai thác đất hiếm. Trong đó Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiệu lực ngày 18/7/2023 xác định đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đất hiếm triển khai công tác đầu tư khai thác mỏ.

Do vậy, Đất hiếm Lai Châu – Vimico, trong nhiệm kỳ 2022 - 2025, đặt mục tiêu nhanh chóng hoàn thành việc tìm kiếm đối tác hợp tác khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao, đồng thời phấn đấu là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp khác thác chế biến đất hiếm của Việt Nam.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/doanh-nghiep-so-huu-mo-dat-hiem-lon-nhat-viet-nam-kinh-doanh-the-nao-a20038.html