Thấy gì từ thương vụ 200 triệu USD của Masan với quỹ Bain Capital và các NĐT tiềm năng?

Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới - Bain Capital dẫn đầu nhóm NĐT vừa đồng ý rót ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Tập đoàn Masan (MSN). Trong bối cảnh dòng vốn hạn hẹp, thương vụ cho thấy niềm tin của Bain Capital vào thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và Masan nói riêng.

Đây là khoản đầu tư dưới hình thức mua cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (Convertible Dividend Preference Share- CDPS) được phát hành với giá 85.000 VND/cp và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm, ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán.

Ngoài cổ tức cố định, mỗi CDPS sẽ được nhận cổ tức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Các nhà đầu tư khác đang mong muốn đàm phán với Masan, và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của Công ty cũng như điều kiện thị trường, Masan có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.

Đây là dự án đầu tư đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam. Được quỹ ngoại "chọn mặt gửi vàng", Masan tiếp tục cho thấy sự uy tín của mình trên thương trường quốc tế.

Trải qua hơn 26 năm hình thành và phát triển, Masan hiện là công ty hàng đầu tại Việt Nam trong ngành bán lẻ, tiêu dùng. Masan đang sở hữu hơn 3.500 điểm bán trải dài khắp cả nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Tính đến nửa đầu 2023, tổng tài sản của Masan đạt xấp xỉ hơn 140.858 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 37.524 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và các khoản tương đương tiền đạt 13.452 tỷ đồng.

Thấy gì từ thương vụ 200 triệu USD của Masan với quỹ Bain Capital và các NĐT tiềm năng? - Ảnh 1.

Tập đoàn liên tục đẩy mạnh nhiều chiến lược đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng và đa dạng phục vụ tối đa cho nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Úc, Hàn, Canada…

Kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2009, cổ phiếu MSN của Tập đoàn cũng luôn thu hút sự quan tâm từ các cổ đông và nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Thương vụ lần này giúp Masan ghi thêm điểm trong mắt cổ đông, nhà đầu tư khi hoàn thành được lời hứa tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, đó là tìm kiếm nguồn vốn mới, giảm đòn bẩy tài chính bất chấp những thách thức đã, đang diễn ra.

Ông Barnaby Lyons - lãnh đạo Bain Capital - chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng Masan có những nền tảng vững chắc, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng phù hợp để thành công trong một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và tăng trưởng cao. Masan là một trong những thương hiệu uy tín nhất tại Việt Nam với khả năng dự đoán xu hướng tiêu dùng và đáp ứng những nhu cầu này nhờ vào nền tảng hệ thống và những sản phẩm mang tính sáng tạo đột phá. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội đầu tư đầy tiềm năng nhờ vào sự tăng trưởng liên tục của Masan, được những nhà lãnh đạo hàng đầu dẫn dắt".

Thấy gì từ thương vụ 200 triệu USD của Masan với quỹ Bain Capital và các NĐT tiềm năng? - Ảnh 2.

Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ được dùng để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của Masan. Tập đoàn kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong năm 2023 và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA bền vững dưới mức 3,5x một cách ổn định lâu dài.

Thương vụ còn thể hiện những điểm sáng của thị trường bán lẻ nước ta. Ghi nhận, từ năm 2022 - 2040, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 7,7%. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này bởi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, sự bùng nổ của tầng lớp người tiêu dùng trung lưu, nhu cầu đa dạng hơn, vượt khỏi những nhu cầu cơ bản, hướng đến trải nghiệm về phong cách sống và tài chính.

Thấy gì từ thương vụ 200 triệu USD của Masan với quỹ Bain Capital và các NĐT tiềm năng? - Ảnh 3.

Với vị thế dẫn đầu thị trường tiêu dùng Việt Nam, Masan đã và đang chuyển đổi từ một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu trở thành một Tập đoàn sở hữu nền tảng tiêu dùng bán lẻ, hướng đến những tăng trưởng tiềm năng xuyên suốt chuỗi giá trị tiêu dùng. Cụ thể, Masan nhận diện rõ 3 xu hướng tăng trưởng bền vững trong tương lai:

Thứ nhất, cao cấp hóa sản phẩm cùng những phát kiến, đổi mới, đặt sức khoẻ người tiêu dùng làm trọng tâm trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh của Masan Consumer Holdings.

Thứ hai, sự dịch chuyển từ sản phẩm không có thương hiệu sang sản phẩm thịt có thương hiệu với chất lượng cao hơn, do Masan MEATLife cung cấp.

Thứ ba, sự chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại, được tăng tốc nhờ nền tảng bán lẻ WinCommerce.

Đặc biệt hơn, chương trình Hội viên WIN, nền tảng trung tâm của Masan giúp tạo cầu nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng đã đạt 7 triệu Hội viên và đặt mục tiêu nâng con số này lên 10 triệu vào cuối năm nay, 30 triệu vào năm 2025.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/thay-gi-tu-thuong-vu-200-trieu-usd-cua-masan-voi-quy-bain-capital-va-cac-ndt-tiem-nang-a20438.html