Lực lượng tham gia mở đường 22 năm những năm 1966 - 1972 gồm 4 đội thanh niên xung phong (TNXP) với khoảng hơn 6.000 người. Đến cuối năm 1970, đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành.
Trong quá trình mở đường 22, nhận thấy hàng chục ha đất bằng phẳng nằm dưới chân núi, lực lượng quốc phòng thời đó chọn điểm này làm sân bay dã chiến. Đến khoảng cuối năm 1972, đầu năm 1973 sân bay cơ bản hoàn thành, nhưng bị phát hiện. Địch dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt, vì vậy chưa có chuyến bay nào kịp cất cánh tại sân bay này. Trong ảnh là dấu tích của đường băng sân bay dã chiến lộ rõ khi mực nước hồ Kẻ Gỗ rút cạn.
Mùa nước cạn, dấu tích sân bay LiBi và chi chít hố bom hiện rõ trên tuyến đường 22 ngày trước. Hàng chục năm qua, nước ngập cỏ phủ không thể xóa đi những vết thương chiến tranh đã để lại ở vùng đất này.
Ông Nguyễn Phi Công - Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ - cho biết: "Sở dĩ có tên gọi sân bay LiBi là vì sân bay được làm ở khu vực hạ lưu của khe LiBi chảy từ núi ra. Về tư liệu sân bay LiBi, chỉ có những dòng ngắn ngủi trong cuốn lịch sử ngành giao thông Hà Tĩnh, còn lại chỉ nghe kể các trận ném bom ác liệt khiến hàng trăm TNXP, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh qua các nhân chứng. Hơn 10 năm qua, tôi vẫn luôn mò mẫm đi tìm các tư liệu và hài cốt liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và trận đánh sân bay LiBi".
Khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngoài việc được biết đến từng là chiến trường ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây hiện còn có đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ngôi đền tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ ngay giữa lòng hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Khuôn viên có diện tích 320 m2, quay về hướng Tây Bắc.
Những ngày tháng 7, du khách mọi miền đến với hồ Kẻ Gỗ, không chỉ để ngắm vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng, dòng nước trong xanh mà còn để tìm hiểu về dấu tích của một sân bay dã chiến, một chứng tích và trận địa từng bị đánh phá ác liệt trong những năm chiến tranh.
theo Tiền Phong /
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/dau-tich-tran-dia-san-bay-da-chien-libi-o-long-ho-ke-go-a2067.html