Việt Nam nói gì về việc Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ?

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam nói gì về việc Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen bị đình chỉ? - Ảnh 1.

Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen đang bị tạm đình chỉ. Ảnh: Sputnik.

Ngày 20/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc Nga không gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã nhắc lại quan điểm khẳng định Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi chặt chẽ các diễn biến xung quanh xung đột Nga – Ukraine.

Bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam mong muốn các bên đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hồi năm ngoái đã chứng kiến các cảng trên Biển Đen của Ukraine bị các tàu chiến phong tỏa cho đến khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được ký kết vào tháng 7/2022, cho phép các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng đi qua.

Ngày 17/7, Nga đã từ chối gia hạn thỏa thuận này sau 3 lần đồng ý gia hạn thỏa thuận này.

Trong một tuyên bố hôm 19/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nếu Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được thực hiện đầy đủ trong vòng 3 tháng tới, Moscow sẽ không đàm phán về thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen.

Bà Zakharova nêu rõ Nga chỉ đồng ý trở lại đối thoại về khôi phục sáng kiến ngũ cốc sau khi có các kết quả cụ thể trong việc thực hiện phần thỏa thuận liên quan đến Nga, chứ không phải những "cam đoan" hay "hứa hẹn" của Liên Hợp Quốc và phương Tây.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/viet-nam-noi-gi-ve-viec-thoa-thuan-ngu-coc-bien-den-bi-dinh-chi-a2120.html