Ngày 9/10, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức hội nghị tổng kết 2020-2023 Rạng Đông chuyển đổi số với chủ đề “phát triển nhanh, bền vững, vượt qua đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu”.
"Quả ngọt" từ chuyển đổi số
Báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di cư từ thế giới thực sang không gian mạng và ở đó hành vi của con người nói chung và hành vi tiêu dùng nói riêng có những sự biến đổi.
Do đó, chuyển đổi số là con đường tất yếu để các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển và Rạng Đông cũng không ngoại lệ.
Trong giai đoạn mới, Rạng Đông đã xác định con đường phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế, phấn đấu xây dựng môi trường làm việc luôn sáng tạo, văn hóa hơn, văn minh hơn, chuyên nghiệp hơn, hạnh phúc hơn.
Rạng Đông phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực cung cấp Hệ sinh thái 4.0 hiện thực hóa khát vọng “Make in Viet Nam”; đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp tầm tỷ đô, đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực.
Trên cơ sở nghiên cứu các khảo sát mô hình toàn thế giới, ông Kết cho biết công ty đã tự xây dựng mô hình gồm 4 lớp: thích ứng nhanh, linh hoạt với thay đổi của môi trường và thị trường; mở rộng không gian tăng trưởng theo cấp số nhân; triển khai mô hình kinh doanh số, bán hàng đa kênh, đa nền tảng và trải nghiệm khách hàng.
Rạng Đông đã có nhiều thay đổi khoa học công nghệ để ứng biến với tình hình thế giới bất định. Công ty tạo nên nhiều sản phẩm, hệ thống, dịch vụ số thông minh, đồng thời xây dựng dây chuyền sản xuất thông minh; ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động kinh doanh.
"Chuyển đổi số không có điểm bắt đầu hay kết thúc mà là một vòng lặp", ông Nguyễn Đoàn Kết nhận định. Do đó, lộ trình chuyển đổi số của Rạng Đông gồm ba giai đoạn. Đầu tiên là số hóa một số quy trình hiện có, số hóa riêng lẻ. Thứ hai là chuyển đổi số ở vòng lặp cao hơn, kết nối các quy trình, đồng bộ từng phần. Cuối cùng là nâng cao, tối ưu nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và trải nghiệm khách hàng; tăng gia tốc của bánh đà tăng trưởng.
Song song, chuyển đổi số còn là thay đổi mô hình kinh doanh. Rạng Đông sản xuất ra nhiều sản phẩm công nghệ cao, tức các sản phẩm không còn đơn lẻ mà mang tính hệ thống. Lúc này, mô hình kinh doanh cần hướng tới tiếp cận người dùng cuối, tích hợp kinh doanh vật lý với kinh doanh trực tuyến. Từ đó, công ty có thể hiểu hành vi, chân dung của người dùng cuối hơn để từ đó điều chỉnh, nâng cao dịch vụ, sản phẩm.
Doanh nghiệp cũng tích hợp sản phẩm và chuỗi cung ứng, kết hợp với VNPT, FPT, Viettel... để tích hợp thiết bị của mình vào từng nền tảng riêng biệt. Từ đó, công ty đã phát triển thành mô hình kinh doanh hệ sinh thái để thích hợp với các giai đoạn chuyển đổi số.
Đại diện Rạng Đông cũng khẳng định chuyển đổi số trong sản xuất rất khó. Công ty đã đi từ lớp máy móc, nâng cao trình độ tự động hóa, liên kết dữ liệu. Tuy nhiên, điều này không đơn giản với một đơn vị truyền thống như Rạng Đông, khi có hàng trăm dây chuyền từ nhiều quốc gia khác nhau, theo từng giai đoạn lịch sử. Do đó, hệ thống máy không khó có thể "nói chuyện" với nhau. Để khắc phục điều này, công ty sử dụng Open Platform (nền tảng mở) để làm cho máy móc có thể tương tác, tích hợp dữ liệu...
"Với nguồn lực đầu vào là tài chính, con người... đầu ra là người dùng cuối, tạo thành một liên kết ngang. Song song, thông tin chuyển hóa từ dưới lên, quyết định đi từ trên xuống. Rạng Đông đã có một mô hình kinh doanh có liên kết ngang và dọc", Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết.
Sau 3 năm chuyển đổi số, công ty thiết lập mặt bằng tăng trưởng mới 15-20% liên tục 4 năm 2020 - 2023. Tỉ lệ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2023 cũng đạt trên 20%.
Cảm hứng cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số của Rạng Đông, trong đó nổi bật là việc nâng cao năng suất lao động ở mức 20%. Ông Hiển nhấn mạnh này đây là mô hình đáng học hỏi và nên nhân rộng để làm bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác.
“Câu chuyện của Rạng Đông đã tạo nên cảm hứng cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số”, ông Hiển nói.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng thành công trong chuyển đổi số của Rạng Đông nhờ vào việc doanh nghiệp đã xác định rất rõ chủ thuyết – lý thuyết chuyển đổi số một cách cụ thể. Chính lý thuyết đã soi đường cho thực tiễn, cùng với sự vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp đã phát huy tác dụng.
Bên cạnh tầm nhìn, sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp, ông Hiển cho rằng Rạng Đông đã đúng khi lựa chọn chuyển đổi số dựa trên nền tảng hợp tác. Doanh nghiệp đã hợp tác với rất nhiều các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước để tiếp thu tri thức của nhân loại và sáng tạo, vận dụng vào thực tế của doanh nghiệp, qua đó tạo nên cộng hưởng chung.
Nhấn mạnh “nếu không chuyển đổi số thực sự, chúng ta sẽ biến đây trở thành một phong trào hình thức”, ông Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao việc Rạng Đông đã trích lập từ lợi nhuận sau thuế để thiết lập quỹ khoa học công nghệ (15%) và quỹ đầu tư mạo hiểm (7%). Đặc biệt chính nguồn tài chính này đã phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số của Rạng Đông.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Hiển đề nghị các cơ quan, bộ ban ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Rạng Đông trở thành một doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ số với giá trị tỷ đô ở tầm khu vực.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/rang-dong-thiet-lap-mat-bang-tang-truong-15-20-nho-chuyen-doi-so-a21200.html