Tận dụng tối đa cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản

Theo Bộ NN&PTNT cần xem xét một cách toàn diện các quy định về áp dụng các biện pháp SPS đối với hàng nông lâm thủy sản ở cả hai chiều là xuất khẩu và nhập khẩu.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.

Đề án nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các FTAs thế hệ mới trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế; xây dựng các biện pháp SPS phù hợp với cam kết để bảo vệ sức khỏe con người và động thực, vật trên lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất, nhập khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của các nước thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.

Tờ trình nêu rõ, sau hơn 16 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt gần đây là các hiệp định thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA); Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA).

Tiêu dùng & Dư luận - Tận dụng tối đa cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề án sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định luật pháp trong lĩnh vực SPS.

Các cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) trong khuôn khổ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP và VIFTA được đánh giá là có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao đối với Việt Nam, việc các hiệp định có hiệu lực và bắt đầu đi vào thực thi sẽ có tác động mạnh đến việc tổ chức thực hiện và áp dụng các quy định về SPS. 

Việc các đối tác cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, cũng đồng nghĩa với các yêu cầu về kỹ thuật về SPS ngày càng cao và đòi hỏi hệ thống quản lý phải đồng bộ. Việc này đang đặt ra nhiều thách thức với các Bộ ngành, cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất và chế biến thực phẩm, nông sản xuất khẩu.

Hiện nay, việc triển khai các quy định SPS đến các cơ quan quản lý trong mạng lưới SPS, hiệp hội ngành hàng, các đối tượng sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm còn hạn chế do hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, nguồn nhân lực hạn chế, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu.

Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa cao, trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe về kỹ thuật của các biện pháp SPS mà các nước đối tác áp dụng.

Việc áp dụng các biện pháp SPS để đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên động thực vật qua thương mại nông sản với các nước đã có nhiều số tiến bộ, nhưng so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được nhìn nhận một cách đúng đắn và có giải pháp khắc phục. Cần phải có định hướng, kế hoạch tăng cường tổ chức, năng lực kỹ thuật và triển khai các hoạt động trong toàn bộ hệ thống mạng lưới các cơ quan quản lý về SPS của Việt Nam.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần phải xem xét một cách toàn diện các quy định về áp dụng các biện pháp SPS đối với hàng nông, lâm, thủy sản ở cả hai chiều là xuất khẩu và nhập khẩu, trọng tâm là các hiệp định FTA mới ký kết gần đây. 

Trên cơ sở đó, việc xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do” là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra khi Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới và thương mại nông sản thực phẩm toàn cầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề án sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định luật pháp trong lĩnh vực SPS; hoàn thiện về thể chế trong áp dụng các biện pháp SPS; xây dựng Quy chế phối hợp triển khai các cam kết về SPS và mở cửa thị trường nông lâm sản và thủy sản, đặc biệt là thực thi nghĩa vụ về minh bạch hóa trong khuôn khổ WTO và các FTA.

Bên cạnh đó, tận dụng tốt cơ hội hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực về SPS từ các đối tác thương mại là các nước phát triển; đào tạo tăng cường năng lực kỹ thuật và trang thiết bị trong kiểm nghiệm, kiểm chứng; đào tạo nâng cao nhận thức cho người quản lý, người sản xuất về vai trò và tầm quan trọng của biện pháp SPS nhằm bảo vệ sức khoẻ con người và an toàn dịch bệnh trong thương mại nông sản thực phẩm quốc tế; đào tạo, phổ biến các quy định về SPS của thị trường, việc tuân thủ các quy định trong tiếp cận và mở rộng thị trường.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/tan-dung-toi-da-co-hoi-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-a21793.html