CEO CII:'Năm 2023, doanh nghiệp nào còn tồn tại là mừng'

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII nhìn nhận:"Doanh nghiệp nào trong năm 2023 còn tồn tại là mừng. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh cơ sở hạ tầng, bất động sản, gần quan tâm tới sự tồn tại, không đề cập tăng trưởng. CII cũng không phải ngoại lệ".

CEO CII:'Năm 2023, doanh nghiệp nào còn tồn tại là mừng' - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ bất thường CII. Ảnh: Hữu Bật.

Sáng 17/10, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường (EGM) năm 2023 lần thứ hai.

Cụ thể, các cổ đông tại EGM đã thông qua 2 tờ trình, gồm: Điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, khi bổ sung chi tiết lĩnh vực kinh doanh bất động sản (không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng) và định hướng về phát triển chiến lược giai đoạn 2024 - 2030.

CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục đóng vai trò lĩnh vực ưu tiên, công ty cho biết sẽ dự kiến nghiên cứu đầu tư 6 dự án, tổng quy mô vốn đầu tư lên đến 74.822 tỷ đồng, bao gồm dự án Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng; dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.HCM với vốn đầu tư 19.059 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An với tổng vốn đầu tư 11.982 tỷ đồng; dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh với tổng vốn đầu tư 10.108 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành với vốn đầu tư 6.625 tỷ đồng; và cuối cùng, dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với vốn đầu tư 5.048 tỷ đồng.

Trao đổi tại EGM, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII nhìn nhận:"Doanh nghiệp nào trong năm 2023 còn tồn tại là mừng. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh cơ sở hạ tầng, bất động sản, gần quan tâm tới sự tồn tại, không đề cập tăng trưởng. CII cũng không phải ngoại lệ".

CEO CII cho biết KQKD quý III và cả năm 2023 không như kế hoạch đầu năm đề ra, do các hồ sơ pháp lý dự án bất động sản gần như không có dự án nào chạy được, dẫn đến hai lĩnh vực chính của CII là hạ tầng và bất động sản bị ảnh hưởng.

Một nội dung đáng chú ý khác là nhiều cổ đông băn khoăn về việc ông Bình và vợ bán tổng cộng 10 triệu cổ phiếu CII để chuyển sang đầu tư trái phiếu, kỳ hạn 10 năm, một cổ đông phát biểu tại EGM rằng:"Việc lãnh đạo không cầm cổ phiếu sẽ rất rủi ro cho cổ đông".

Ông Bình giải thích việc bán ra toàn bộ cổ phiếu nhằm mục đích chuyển sang mua trái phiếu CII422301. Ông đánh giá đầu tư dài hạn vào CII vẫn hiệu quả, nhất là trong giai đoạn các kênh đầu tư hiện nay như mua đất hay trái phiếu đều có rủi ro, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng không còn hấp dẫn do lãi suất thấp. Trong khi đó, CII vẫn tạo ra dòng tiền ổn định, trả cổ tức đều đặn.

Ngoài ra, theo quy định của Sở giao dịch TP.HCM, ông Bình không thể vừa đăng ký bán và mua chứng khoán. Do đó, ông chọn bán hết cổ phiếu rồi sau đó sẽ mua trái phiếu chuyển đổi. Thậm chí sau khi bán cổ phiếu, ông cho biết dự kiến sẽ trích thêm tiền cá nhân hoặc vay mượn thêm để mua lại với số lượng lớn hơn, có thể gấp 1,5 - 2 lần số lượng bán ra.

Ông Bình cũng chia sẻ chỉ có thể nghĩ đến việc thoái vốn đầu tư tại CII sau khi đã nghỉ hưu.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/ceo-ciinam-2023-doanh-nghiep-nao-con-ton-tai-la-mung-a23126.html