Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2023 mà Công ty Cổ phần Điện lực 3 (HNX: PIC) mới công bố, doanh nghiệp ngành điện này ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý II và nửa đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo đó, tính riêng quý II/2023, Điện lực 3 ghi nhận doanh thu thuần đạt 23,1 tỷ đồng, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn kỳ này cũng giảm hơn 8%, xuống 14,6 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt gần 8,6 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với quý II/2022.
Trong kỳ, chi phí tài chính của công ty giảm 30%, còn 1,9 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp không có nhiều thay đổi với hơn 3 tỷ đồng. Kết quả, Điện lực 3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3,9 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 68,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 25,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt gần 455 tỷ đồng, giảm hơn 10,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm hơn 61%, xuống còn hơn 15,7 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 24%, xuống còn xấp xỉ 19 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận 10.2 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí nâng đập hồ A và nhà máy thủy điện hồ B thuộc Dự án thủy điện Đăk Pône (hơn 7,4 tỷ đồng) và dự án nhà máy điện gió Tân Lập (2,4 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nợ phải trả cũng được giảm hơn 47%, xuống còn 81,4 tỷ đồng do giảm được hơn 26 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác (cổ tức lợi nhuận phải trả) xuống còn hơn 2,3 tỷ đồng. Nợ thuê dài hạn cũng giảm 34%, xuống còn 70 tỷ đồng - đây là khoản nợ từ OCB dành cho dự án nhà máy thủy điện Đa Krông 1.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Điện lực 3 là 373,3 tỷ đồng với vốn góp là 333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 39 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Điện lực 3 là doanh nghiệp hoạt động trong ngành đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và sản xuất, kinh doanh điện năng; có địa bàn kinh doanh chủ yếu là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Một số dự án nổi bật của công ty gồm nhà máy thủy điện Đa Krông 1, nhà máy thủy điện Đắk Pône và nhà máy thủy điện Sông Tranh 5 với công suất tương ứng là 12 MW, 14 MW và 40 MW.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành điện của VNDirect, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ điện sẽ đạt 6%, thấp hơn 28% so với kịch bản thấp trong Quy hoạch điện VIII do nhu cầu điện công nghiệp suy yếu.
Về tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, VNDirect không nhìn ra giải pháp khả thi trong ngắn hạn. Trong dài hạn, việc bổ sung công suất mới tại miền Bắc cũng như nâng cấp hệ thống truyền tải là nhiệm vụ cấp bách.
Đối với điện khí, trong giai đoạn 2023-2024, VNDirect kỳ vọng sản lượng điện khí cải thiện khi thủy điện suy yếu sẽ tạo dư địa huy động cho các nguồn nhiệt điện; Tình trạng dư thừa công suất ở miền Nam sẽ dần được hấp thụ khi hoạt động công nghiệp của Việt Nam hồi phục.
Đối với nhiệt điện than, nhóm phân tích nhận thấy các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc sẽ hưởng lợi sớm nhất do nguồn than ổn định và chi phí vận chuyển rẻ. Thêm vào đó, tình trạng thiếu điện tại miền Bắc sẽ củng cố triển vọng huy động sản lượng điện than, đặc biệt khi dự kiến khu vực sẽ trải qua giai đoạn nắng nóng hơn.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/mot-cong-ty-dien-luc-bao-loi-nhuan-quy-ii2023-sut-giam-66-a261.html