Hết thời tăng giá bằng lần, đất quê “quay xe” giảm giá một nửa: “Người Hà Nội không về mua nữa biết bán cho ai?”

Giá đất tại nhiều vùng nông thôn từng liên tục tăng giá mạnh, thậm chí gấp 2 - 4 lần chỉ trong vài năm. Đến nay, dù giá giảm tới 50% nhưng đất nông thôn vẫn khó tìm khách mua.

Giai đoạn năm 2019 đến đầu năm 2022, cơn sốt đất không chỉ hoành hành tại các thành phố lớn mà còn tràn về vùng nông thôn. Sức nóng của thị trường, cộng thêm sự thay đổi đáng kể về hạ tầng khiến đất nền tại nhiều vùng nông thôn liên tục tăng mạnh gấp 2 - 3 lần, thậm chí tới 4 lần chỉ trong thời gian ngắn. Khi đó, nhiều nhà đầu từ các thành phố lớn tràn về vùng nông thôn săn đất khiến làng trên xóm dưới đều nhộn nhịp giao dịch.

Đơn cử, một mảnh đất nằm tại mặt đường liên tỉnh trên địa bàn huyện Ý Yên (Nam Định) có diện tích 160m2, thời điểm năm 2020 mức giá chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2. Sang đến đầu năm 2022, mảnh đất này được hỏi mua với giá 18 triệu đồng/m2, song chủ vẫn không bán.

Tuy nhiên, đến nay khung cảnh sôi động của thị trường bất động sản nông thôn không còn. Thay vào đó là tình trạng bán tháo, giảm giá, thậm chí có mảnh đất giảm tới hơn 50% vẫn khó tìm khách mua.

Anh Nguyễn Hải, môi giới bất động sản trên địa bàn huyện Ý Yên cho biết, giai đoạn từ 2020 đến đầu năm 2022, giá đất tại khu vực đã tăng vọt lên 3 - 4 lần. Nguyên nhân do hạ tầng được nâng cấp đáng kể trong những năm qua, cộng với tình hình thị trường bất động sản chung diễn biến nóng.

Anh Hải cho biết, đầu năm 2020, những mảnh đất ở đường lớn liên tỉnh có giá khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2, song chỉ sau đó 1 năm giá đã tăng vọt lên gấp 2 lần, dao động từ 11 - 15 triệu đồng/m2. Đến đầu năm 2022, giá đất tiếp tục tăng lên dao động từ 17 - 25 triệu đồng/m2. Thậm chí, khi đó giá đất trong ngõ ô tô di chuyển cũng lên tới 9 - 12 triệu đồng/m2.

Hết thời tăng giá bằng lần, đất quê “quay xe” giảm giá một nửa: “Người Hà Nội không về mua nữa biết bán cho ai?” - Ảnh 1.

“Khi đó, hầu hết là nhà đầu tư ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận tới mua bán, còn người trong khu vực giao dịch không đáng kể. Khi ấy, các phiên đấu giá tổ chức cũng diễn ra rất nhộn nhịp, mức giá cao chót vót”, anh Hải nói.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá đất đã giảm từ 30 - 50% so với đầu năm 2022, song vẫn khó tìm người mua. Đơn cử, một mảnh đất diện tích 200m2 trong ngõ rộng 4m trên địa bàn xã Yên Chính, đầu năm ngoái có giá khoảng 8 triệu đồng/m2, nay giá giảm còn 4 triệu đồng/m2. Dù mảnh đất này được rao bán cách đây 2 tháng nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.

“Hiện tượng bán tháo, giảm giá sâu chỉ từ những nhà đầu tư từ nơi khác tới. Còn người dân trong khu vực họ mua dù giá ở đỉnh, đến nay thị trường đang đi xuống cũng không có nhu cầu bán ra. Bởi, những người này chỉ mang mục đích tích sản và mua hoàn toàn bằng tiền tích lũy.

Thực tế, ở nông thôn đất rộng nhưng ít người, và thường sinh sống tập trung ở một khu vực nhất định. Những mảnh đất không nằm trong khu vực dân cư sẽ giảm giá rất sâu, khó bán. Hơn nữa, thị trường đang trầm lắng, người Hà Nội không về mua nữa thì biết bán cho ai”, người này nói.

Tình trạng giảm giá, cắt lỗ sâu cũng diễn ra tại các huyện của tỉnh Hòa Bình như huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi,...

Cụ thể, thời điểm đầu năm 2022, giá đất ở huyện Lương Sơn dao động từ 2 - 3 triệu đồng thì nay giảm còn 1 - 1,7 triệu đồng/m2. Tại huyện Kim Bôi, giá đất đã giảm xuống còn quanh mức 1 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện những mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng/m2. Trong khi thời điểm sốt diễn ra muốn mua cũng phải quanh mức giá 2 triệu đồng/m2.

Hết thời tăng giá bằng lần, đất quê “quay xe” giảm giá một nửa: “Người Hà Nội không về mua nữa biết bán cho ai?” - Ảnh 2.

Một mảnh đất ở vị trí bám sông Bôi tại địa bàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình) có diện tích 6.000m2, trong đó có 400m2 là đất ở nông thôn còn lại là đất trồng cây lâu năm đang được bán với giá 6,4 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đồng/m2. Hiện tại, mảnh đất này đã được san bằng, đường bê 5m vào tận khu đất.

Môi giới rao bán giới thiệu: “Mảnh đất này phù hợp để xây dựng kinh doanh nghỉ dưỡng hoặc đầu tư trung hạn sẽ có lãi lớn. Do thị trường trầm nên chủ đất chấp nhận giảm khoảng hơn 50% giá”.

Theo anh Hiếu, môi giới bất động sản tại Hòa Bình, thời điểm năm 2020 - 2021 dịch bệnh vẫn hoành hành, trung bình mỗi tuần anh dẫn khoảng 3 - 5 đoàn khách từ Hà Nội và một số nơi khác đến xem đất. Thời điểm thị trường tốt, anh chốt được 10 mảnh đất lớn trong vòng một tháng.

“Nhu cầu lớn khiến các mảnh đất rộng có mức giá chỉ vài trăm đến vài triệu đồng/m2 cũng tăng nhanh. Các mảnh đất rộng từ có diện tích 1.000m2 trở lên, giá trị khoảng vài tỷ đồng”, người môi giới cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Hiếu, từ giữa năm ngoái tới nay, giá các mảnh đất rộng có một phần thổ cư rất hiếm có giao dịch. Những chủ nhà gặp khó khăn về tài chính chấp nhận giảm giá khá sâu để tìm chủ mới. Bên cạnh đó, trước kia một số gia đình mua mảnh đất rộng để xây dựng căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng cuối tuần, đến nay, tần suất đến ở cũng ít dần. Do đó, họ tìm khách để bán lại.

“Nhưng thị trường chung đã chững lại thì các mảnh đất rộng, xa trung tâm, chưa hình thành khu dân cư rất khó bán”, anh Hiếu nói.

Thực tế, tình trạng này không chỉ diễn ra ở thị trường bất động sản Hòa bình hay Nam Định, nhiều vùng nông thôn khác như Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Giang,... cũng xuất hiện nhiều mảnh đất nền đã giảm giá tới 50%, song khó tìm khách chốt.



Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/het-thoi-tang-gia-bang-lan-dat-que-quay-xe-giam-gia-mot-nua-nguoi-ha-noi-khong-ve-mua-nua-biet-ban-cho-ai-a262.html