Theo BVĐK Trung ương Quảng Nam cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận anh L.V.P (31 tuổi, ở huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị ong đốt trong tình trạng nguy kịch.
Khai thác tiền sử bệnh, anh P. cùng một vài người đi lấy tổ ong vò vẽ để lấy nhộng bán kiếm tiền. Không may, anh P. bị đàn ong tấn công và đốt nhiều vết trên người. Thấy vậy, người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện của Sư đoàn 315 trong tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.
Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân được tiếp tục chuyển viện đến BVĐK Trung ương Quảng Nam vẫn trong tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.
Các bác sĩ tại BVĐK Trung ương Quảng Nam xử lý theo phác đồ sốc phản vệ độ 4 do ong đốt, khi đó có mạch và huyết áp trở lại. Bác sĩ khám đánh giá tình trạng bệnh nhân đồng tử giãn hoàn toàn, đáp ứng kém ánh sáng hôn mê sâu. Bệnh nhân được theo dõi sốc phản vệ độ 4 do ong đốt có biến chứng ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp hồi sinh.
Đến khoảng 13h ngày 23/7/2023, bệnh nhân đột ngột chuyển nặng và chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của BVĐK Trung ương Quảng Nam trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hô hấp cấp cứu có mạch trở lại.
Thăm khám cho thấy bệnh nhân tiếp tục hôn mê mê sâu, đồng tử giãn 2 bên, huyết áp duy trì vận mạch liều cao, Noradrenalin Adrenalin. Lúc này bệnh nhân tiên lượng tổn thương não sau ngừng tuần hoàn.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã hồi sức và bệnh nhân có nhịp tim trở lại.
Hiện anh P. được đưa vào phòng hồi sức, thở máy và tích cực điều trị. Bệnh nhân vẫn tiên lượng rất xấu, người nhà mong muốn được chuyển ra bệnh viện ở Tp.Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.
Được biết, gia đình anh P. có hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, 3 đứa con nhỏ từ 4-6 tuổi. Anh P. hằng ngày vào rừng lấy tổ ong bán kiếm tiền về trang trải cuộc sống.
Để phòng chống ong đốt, cần tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Tuyệt đối không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong (sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới), không chọc phá tổ ong nếu thấy không cần thiết và không đảm bảo an toàn.
Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa). Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi.
Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ. Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm... có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín để đề phòng ong đốt.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Vietnamnet)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net.vn/di-lay-to-ong-nguoi-dan-ong-bi-dot-suyt-mat-mang-a2744.html