Cách đây không lâu, cô Bành, chủ cửa hàng hoa ở Cù Châu, Chiết Giang, Trung Quốc nhận được đơn đặt hàng đặc biệt. Một người đàn ông đến đặt làm bó hoa đặt trong hộp giá 260 nhân dân tệ (hơn 850.000 đồng) nhưng yêu cầu cho vào thêm 33.440 nhân dân tệ (hơn 110 triệu đồng) tiền mặt. Tổng cộng, hộp hoa mà người đàn ông này đặt trị giá 33.700 nhân dân tệ (khoảng gần 111 triệu đồng), thanh toán bằng cách chuyển khoản.
Do số tiền tương đối lớn nên phải sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng và xác nhận có 33.700 nhân dân tệ chuyển vào, cô Bành mới vui vẻ nhận đơn. Cô nhanh chóng đến ngân hàng rút tiền, làm hộp quà theo yêu cầu của khách, sau đó gửi đến địa chỉ được chỉ định.
Vài ngày sau, cô Bành nhận được thông báo thẻ ngân hàng của mình đã bị đóng băng. Ban đầu, cô nghĩ đó chỉ là sự bất thường của hệ thống ngân hàng. Không ngờ qua một tuần, thẻ vẫn bị ngừng hoạt động, nhân viên ngân hàng khuyên cô đến đồn cảnh sát để được tư vấn.
Cảnh sát kiểm tra và phát hiện thẻ ngân hàng của cô Bành đã bị cơ quan công an địa phương khác phong toả do nghi ngờ rửa tiền. Choáng váng trước thông tin này, cô Bành khẳng định mình làm ăn ngay thẳng, chưa bao giờ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền. Cố nhớ lại, cô mới nghĩ đến đơn hàng trị giá 33.700 nhân dân tệ mới đây. Hoá ra, kẻ rửa tiền đã lợi dụng tài khoản ngân hàng của cô Bành để lấy tiền mặt.
Theo cảnh sát, tội phạm rửa tiền thường ưu tiên mua những sản phẩm phổ biến và đề xuất chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bên bán. Khoản tiền mà bên bán nhận được thực chất là tiền ăn trộm. Qua kiểu mua bán này, người bán vô tình trở thành "đồng phạm rửa tiền" của bọn lừa đảo, đồng thời bị phong tỏa tài khoản.